Canh cửa - hành vi xua kẻ khác ra khỏi cái ta hằng yêu thích - vẫn bám sâu bám dai cộng đồng metal suốt nhiều thập kỷ.
Ở các buổi hòa nhạc, ở Reddit (nay thì… Maybe you should listen to this song hay Maybe you never know this artist, maybe just you) và phần bình lựng MXH, lúc nào cũng có những bậc chính nhân quân tử hán đại trượng phu xướng phụ tùng nào đó, luôn lăm lăm bảo ban nhạc bạn thích đếch phải metal thứ thiệt, rằng bạn cũng ếch biết gì về metal, hay bạn cứ lượn khỏi ở chỗ chả thuộc về mình. Và, đồng thời, chính chúng ta được dạy bảo rằng chúng ta là một gia đình, rằng cái cộng đồng mê tồ này nó cởi mở hơn các cộng đồng khác. Cái quái gì đang xảy ra hở?
Hồi thập niên 90, bị gọi là “poseur” – đồ làm màu, đồ xạo quần, xạo ke, bọn đú – là một câu sỉ nhục nặng nề. Bồ chỉ là một thằng bên ngoài ngó vào cộng đồng, chả có đủ cool để trở thành thành viên. Khi Lars Ulrich ném phi tiêu vào ảnh Kip Winger trong phim tài liệu Metallica’s Live Shit: Binge and Purge, cái thông điệp rõ mười mươi – hoặc theo, hoặc phắn.
Dọ hỏi bất cứ ai mặc áo metal hãy kể thử ba bản nhạc của cái band trên áo, các anh hùng bàn phím hạ gục người lạ mặt trên internet bằng cách phô lòe những nghệ sĩ lạ hoắc lạ huơ mà chúng thích, còn các bô lão càm ràm các ban nhạc truyền thống (và thuyết) bán rẻ linh hồn cho thương mại, hoặc đã luống thời sau album thứ ba: mọi hình mọi dạng của hành vi canh cửa. Với một cộng đồng được coi là luôn giang rộng tay chào đón mọi người, hiện tượng canh cửa vẫn luôn nhan nhản. Sao vậy?
Tác giả bài viết bạn đang đọc đăng trên Loudwire, Steve Byrne, là một nhà tâm lý có bằng cấp hành nghề, kiêm giảng viên tham vấn tâm lý, đồng thời là người đứng sau khóa học Tâm lý học Heavy Metal và Punk Rock, đã dành 25 năm cuộc đời coi hàng trăm show, hàng ngàn giờ Youtube và hỏi mọi thân chủ điều trị về thị hiếu âm nhạc, về thái độ của họ, để đúc kết những gạch đầu dòng sau đây:
Con người đầy nỗi bất an
Mút hồi thập niên 1950, các nhà tâm lý xã hội học để ý việc chia con người thành các nội và ngoại nhóm quá ư dễ dàng. Ở các tình huống mơ hồ, chúng ta tìm cách liên hệ với những người cùng trang lứa và tự chệch ra khỏi những ai khác với mình. Chúng ta thấy được điều này ở trẻ em ở các trại hè (thí nghiệm hang Robbers lừng danh), nhưng cũng tương tự đối với chính kiến, bản dạng sắc tộc, và các vấn đề nhức nhối trong xã hội.
Nằm trong bản chất: chúng ta nhìn nhận những ai khác với mình theo cách này hay cách khác như một mối họa bởi chúng ta ai nấy đều mong manh dễ vỡ. Trừ chuyện bạn tự tin bởi tự huyễn hoặc, ai ai cũng đôi khi cảm thấy bất an, và trong vô thức, tất cả chúng ta đều ra sức chứng tỏ với bản thân và với kẻ khác rằng chúng ta đủ giỏi giang. Một thủ thuật để làm chuyện này đó là dán nhãn những ai khác với mình và hạ bệ họ. Nếu ai khác có gu dấm dớ – gu nhạc, thời trang, show truyền hình, sở thích cá nhân, cái gì cũng được – chí ít chúng ta chẳng tệ lậu như chúng nó.
Và chúng ta có thể noi gương một vài nhân vật hay ho nào đó từng buộc phải chứng minh quan điểm kia. Những nhà tiên phong trong metal buộc phải chứng tỏ rằng họ cũng có giá trị, rằng dáng vẻ bề ngoài chả có giả đò giả xuồng như ngôi sao pop, rằng họ có ngón nghề rõ nét, để tự họ trở thành hình mẫu.
Là kẻ ngoài cuộc, ta bám víu vào những ai khiến ta cảm thấy mình thuộc về, thế là những Dio, Ozzy, Hetfield, Halford, Lemmy (ở ta, những người ta hầu như chưa bao giờ nghe quá trọn 01 album, nhưng kệ chứ….) – những thánh metal không còn là nghệ sĩ, mà trở thành những thần tượng để ta noi theo. Và khi họ giương “súng” tỉa các đối thủ cạnh tranh trong nhạc pop, ta chú ý và nhớ theo, cho dù đã 30 năm lẻ (ở đây chắc dăm mười) trôi qua….
“Tôi đã gặp rất nhiều người ngoài đời thực cam đoan họ chẳng canh cánh cửa nào sất. Quả thật, chả ai nói mình canh cửa cả. “Chúng tôi không hề kỳ thị! Chúng tôi muốn cho người khác thấy nhạc hay đích thực ra sao! Nhưng hành vi của họ lại theo nẻo khác.
Vậy tại sao tiền hậu bất nhất? Với vài người, đó là cách họ tiếp cận vấn đề. Bạn có nghĩ khi post một bình luận vừa sai chính tả vừa kém cỏi nói ban nhạc nào đó dở tệ, thì làm sao mà quyến dụ một con người trẻ trung nào đó tham gia vào một đối thoại sở thích hay ho cho được?
Sau khi lắng nghe thân chủ ở các phiên trị liệu, tôi có thể bảo đảm với các bạn rằng chả ai thật tâm muốn mình là thằng cà chớn hết.
Nhưng nếu hỏi ai khác về cảm nhận cá nhân, họ cà sẽ xuất hiện. Và quay lại quan điểm đầu tiên – người ta ra sức chứng tỏ họ thuộc về một đâu đó, biết rõ một điều gì đó, và ta nên tìm kiếm ở họ sự chỉ dẫn. Họ cảm thấy hay ho hơn về bản thân mỗi khi tự nhấc mình lên một vị thế cao hơn, đôi khi bằng cách bảo với bạn “chúng ta không cùng đẳng cấp.”
Cùng đẳng cấp giữa đại dương âm thanh
Rủi thay, các cố gắng kia thường bị phản dame, khi người nhận trở nên tự vệ hoặc thấy bị phật ý – một sự vụ rất thường xảy ra – bởi cùng cái mong mỏi được người khác chấp nhận trong mỗi chúng ta. Chắc hẳn phải có cách nào đó hay ho hơn và khác để đưa người ta vào cộng đồng, thay vì sỉ nhục các ban nhạc họ thích, và thú thật, cái kiểu thuyết phục đó chả thể nào có tác dụng trong phần bình luận Youtube.
Có lẽ là không thuyết phục thật?
Ở đây, tôi [tác giả] đề nghị một thỏa hiệp. Có lẽ vấn nạn giữ cổng thực ra chẳng phải vấn nạn như chúng ta vẫn nghĩ. Nhỡ đâu các tư tưởng thượng đẳng, thái độ “tụi mày chưa đủ metal”, và các bình luận “30 năm nay mấy ổng chửa ra đĩa nào ra hồn (áp dụng cho bất cứ ban nhạc thời tứ trụ thrash)” chỉ đơn thuần là cảm nhận chủ quan, chẳng phải nhận xét xác đáng về tình trạng hiện hữu của scene thì sao?
Có lẽ họ hoàn toàn có thể nói ra những gì họ nói, thay vì đọc một bình luận online xúc xiểm nào đó rồi gán mọi fan còn lại cũng thượng đẳng chẳng kém. Có lẽ bạn có thể thích Volbeat hay Bring Me The Horizon (phiên bản Việt Nam, có thể bạn thích Cá Hồi Hoang với Chillies) và vài chú troll suy nghĩ ra sao cũng chả xá gì.
Suy cho cùng, các nhân vật ưa chia rẽ cộng đồng cũng như các nguồn tin đồng minh của bọn nớ sống nhờ chính cái tư tưởng “nước sông không đụng nước giếng,” rằng một nhóm người có thể nói đúng, và đa dạng quan điểm chính là mối đe dọa cho hiện trạng cuộc sống.
Khi đem suy nghĩ ấy áp dụng vào cộng đồng metal, hai đầu cực càng được nhấn mạnh. Rõ ràng có những cá nhân canh cổng rành rành ra đó, nhưng chúng ta cứ như nhìn đâu cũng thấy bọn này, kể cả khi bọn chúng chẳng hề tồn tại.
Cái nếp nghĩ nội nhóm/ngoại nhóm giúp ta tập trung xác định được những ai khác với mình, dù họ chẳng khác gì mình. Và những ai đang dường như bị loại khỏi cuộc chơi bởi các vị gác cổng cần mẫn kia có thể nhìn nhận cánh cổng được gác như một chiếc cầu hào kiên cố, niêm chặt, và sẵn sàng để bảo vệ một vương quốc chống lại lũ cướp bóc khi kỳ thực nó chả khác một cái hàng rào giữ vườn, leo qua cái một.
Trích phim Metal Lords
Kết
Đây là một góc nhìn “balanced” của một “cụ già” – là fan chẳng phải một cuộc thi thố ai thấp ai cao, nên người khác không có cùng thẩm mỹ với ta cũng là chuyện thường.
Cộng đồng thật tình chẳng mong manh yếu nhớt như thế, nên cũng đừng coi mình yếu ớt. Là người vừa thích metal cũ lẫn mới, trân trọng cái tinh thần gia đình của một show metal, và ấm lòng khi nhìn thấy circle pit dừng lại vì ai đó trót rơi mắt kiếng hay điện thoại, tôi muốn chúng ta hãy xịn hơn thế nữa.
Lứa fan cứng cựa, những ai ham mê các ban nhạc ngách hẹp – các bạn cũng hãy xịn hơn thế nữa.
Hãy nhớ chúng ta đều bắt đầu từ một đâu đó, để rốt cuộc mới chu ra khỏi chủ lưu. Cái thằng nhóc nghe Machine Gun Kelly kia? Ta tổn thương ở chỗ nào nếu bé nó nghe MGK? Bạn lo lắng con nít không nghe đủ metal á?
Của cho không bằng cách cho. Cái muốn nói không bằng cách nói.
Hãy kiên nhẫn, đừng có tỏ ra asshole, và làm ơn để các thông điệp, vốn mang mục đích giúp ích, hạ cánh nhẹ nhàng hơn chút nữa. Và với những cô cậu sắp sửa thành fan cứng, sợ hãi không dám tuyên xưng tình cảm dành cho metal chủ lưu hay bất kỳ thể loại nhạc nào khác, cứng cỏi lên nào?
Phía sau các đánh giá kia là một nhóm những con người thật sự muốn chào đón và chỉ bảo cho bạn điều này điều nọ. Suy cho cùng, chúng ta đều cách này hay cách khác là kẻ ngoài lề, chúng ta đều muốn kết nối với kẻ khác, và nhất là khi ở show, tất cả chúng ta đều ở đó vì cùng một lý do – một thế giới âm nhạc và văn hóa mà ta hằng yêu thích.