Dzanca [Artwork & Tracklist]


“Dzanca” là full-length album thứ hai của Dzũng với 11 tracks dự kiến phát hành vào ngày 29/01/2021.
Album có sự tham gia của các nghệ sĩ khách mời: NSUT Hải Phượng, guitarist Jack Thammarat, Yellow Star Big Band, Minh Nghĩa trumpet, guitarist Khương An, guitarist Nhím (Chillies), keyboardist Trần Hoàng, drummerboy Cuong Nhoc…

Tracklist:

01. Lý Qua Cầu (The river afterglow)
02. Xe Chỉ Luồn Kim (When the seams come apart)
03. Trống Cơm (Beats of memories)|
04. Cò Lả (A line across the sky)
05. Lý Cây Bông (Questioning mind)
06. Người Ở Đừng Về (Torn)
07. Còn Duyên (Hereafter)
08. Đi Cấy (Light of the life)
09. Lý Ngựa Ô (Ride the darkness)
10. Bèo Dạt Mây Trôi (When earth and sky unite)
11. Lý Qua Cầu (The river after dark)

Các ấn phẩm "cứng" phát hành của Dzanca

Single Đi Cấy (Light of the Life) - streaming vào 01.01.2020

“Đi Cấy” là bài hát dân ca đã rất quen thuộc với tất cả chúng ta. Xuất phát từ thôn Viên Khê, tỉnh Thanh Hoá, “Đi Cấy” là một bài nằm trong Tổ Khúc Múa Đèn bao gồm: Thắp Đèn, Luống bông – Luống Đậu, Vãi mạ, Chẻ lạt đan lừ, Nhổ mạ, Đi cấy, Kéo sợi, Dệt cửi, Vá máy, Cửa đóng then cài, Dâng quạt và Đi gặt.

Tổ khúc Múa Đèn là hình thức diễn xướng dân gian độc đáo mang tính tập thể thường từ 10 đến 12 người tham gia và chỉ được trình diễn vào ban đêm trong kỳ lễ tế cầu phúc của dân làng, mong sao mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

“Đi cấy (Light of the Life)” sẽ là single đầu tiên của “Dzanca” mà Dzũng muốn giới thiệu tới các bạn vào 00:00 ngày 01/01/2021. Ngoài tựa đề tiếng Việt “Đi Cấy” thì phần tựa đề tiếng Anh “Light of the Life” là góc nhìn của Dz khi thực hiện bản hoà tấu này. Chúng ta đã đi qua một năm 2020 với nhiều biến cố, bản thân Dzũng cũng đã trải qua những thời khắc “tăm tối” trong năm qua. Vào thời khắc tạm biệt 2020 và bước sang 2021, Dz sẽ thắp lên 1 chút “Ánh Sáng” với nhiều hi vọng về cuộc sống cũng như âm nhạc trong năm mới.

Đây là track số 08 trong album “Dzanca”

 

Khách mời trong nhạc phẩm “Đi Cấy (Light of the Life) không phải ai xa lạ mà là tay bass đã gắn bó với Dzũng 7 năm qua trong ban nhạc Hạc San: anh Thắng Trần. Trong “Dzanca” anh Thắng đảm nhiệm phần thu âm Sáo/ Tiêu cho 2 tracks mà trong đó “Đi Cấy (Light of the Life)” là nhạc phẩm tôi phối khí một cách “đo ni đóng giày” cho phần solo sáo. Sẽ khó để các bạn có thể tìm ra một “Chú bé chăn trâu” nào metal hơn “Chú bé” của tôi.

“Dzanca” là full-length album thứ 2 mà tôi phát hành với tư cách là Solo Artist và là đĩa nhạc thứ 9 tôi sản xuất sau các album của Hạc San & Final Stage. Xin phép chia sẻ với các bạn về quá trình ra đời của “Dzanca” – đĩa nhạc mà tôi tâm đắc nhất sự nghiệp 20 năm chơi đàn của mình.

Chắc các bạn đã nghe nhiều về Những Ước Mơ. Ước mơ cao đẹp, ước mơ giản dị, ước mơ xa vời… Còn ước mơ của tôi là một ƯỚC MƠ ĐIÊN RỒ: năm 10 tuổi tôi muốn được chơi electric guitar, muốn được chơi thứ nhạc metal gai góc như thần tượng thời thơ ấu của mình – Ban nhạc Da Vàng. Tôi muốn trở thành một Anh Hùng Guitar!

Và tôi vẫn sống với ước mơ điên rồ đó 20 năm qua.

Có một sự kiện mang tính bước ngoặt năm 2007 đã thay đổi tư duy âm nhạc của tôi hoàn toàn. Đó là chương trình “Con đường âm nhạc” của nhạc sĩ Quốc Trung với phần trình diễn album “Đường Xa Vạn Dặm” cùng các nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian. Tôi vẫn nhớ như in một câu nói của thầy Quốc Trung “Âm nhạc dân gian là gia tài ông bà ta để lại cho tất cả con cháu. Ai cũng có quyền sử dụng phần của mình”. Từ đó, tôi đã loay hoay trong rất nhiều năm để sử dụng cái “gia tài” của mình. Nếu bạn theo dõi các sản phẩm âm nhạc của tôi từ năm 2004 cho tới nay, tất cả các đĩa nhạc tôi produce đều mang âm hưởng dân gian. Đó là “Bèo dạt mây trôi” trong “Sân khấu cuối cùng” (2010), đó là “Lý Cây Bông” trong “Dung thứ… là đau khổ” (2008), đó là “Xe chỉ luồn kim” trong “Tiếng đàn hàm oan” (2015), “Con gà gáy le te” trong “Một giấc chiêm bao” (2018)…

Vậy là từ đó ước mơ Anh Hùng Guitar của tôi lại tiếp tục với Metal và “Gia tài” của ông bà để lại cho là những giai điệu dân ca Việt Nam.

Năm 2014, tôi trở thành học trò của thầy Tuấn Tysann – guitarist của Da Vàng, thần tượng từ thời bé của tôi. Buổi học đầu tiên thầy giao cho tôi một bài tập đơn giản là về nghe lại những bản nhạc, video mà mình chơi guitar và ngẫm nghĩ xem tiếng đàn đó đã ổn chưa. Vì sao? Vì tiếng đàn là tiếng nói của con người thông qua cây đàn, một con người có một tâm hồn đẹp thì tiếng đàn mới đẹp được. Tôi đã rất buồn vì khi đó tôi nhận ra tâm hồn mình thật giận dữ, xấu xí như tiếng đàn của mình lúc đó. Bài học của thầy Tuấn Tysann đi theo tôi suốt từ đó, tôi vẫn viết nhạc, sáng tác nhưng dành thời gian để tìm kiếm “tiếng nói” của mình qua cây electric guitar.

Năm 2018, tôi bước vào một cuộc sống cô độc hay có thể gọi là khoảng thời gian “vào hang” tu luyện, chỉ đi làm công ty rồi về nhà tập đàn và viết nhạc để hiện thực hoá một album Guitar Solo. Thời gian này tôi phát hành album “Cánh cửa thần kỳ” với hàm ý tôi sẽ mở một cánh cửa mới trong âm nhạc của mình. Khoảng thời gian 3 năm này lấy đi của tôi rất nhiều, tôi đã ngắt kết nối với bạn bè & gia đình, một ngày làm công việc chính 8-10 tiếng và 4-6 tiếng để viết các track nhạc cho “Dzanca”, không ngơi nghỉ dù chỉ một ngày.

 

May mắn thay, trong sự quay cuồng đó, tôi tìm được “tiếng nói” của mình: tiếng nói của gã Việt Nam ăn phở tái gầu, uống cà phê và beer lạnh mỗi ngày. Chắc tiếng đàn của tôi khi nghe các sẽ thấy thoang thoảng dư vị của mấy món này.

Tháng 11/2018 tôi viết bản “Lý Cây Bông” là khởi đầu cho “Dzanca” sau này.

Tháng 11/2019, “Tình Tính Tang” ra đời như một bước đệm cho năm 2020 khi tôi hoàn thiện 11 tracks của album với sự trợ giúp của những người anh em 24BEAT và Saigon Root Music trong vòng 6 tháng cuối năm. (trong số này tôi viết 5 tracks năm 2020, 4 tracks năm 2019 và 2 tracks năm 2018).

Có 5 thứ “NGƯỢC ĐỜI” tôi muốn diễn đạt qua “Dzanca”:

⚡️ 1. Ở Việt Nam, người nghe luôn chú trọng vào phần ca từ (hay chính xác hơn là ca sĩ) mà xem nhẹ phần khí nhạc. Vì vậy, “Dzanca” là một album chỉ có khí nhạc hay còn gọi là instrumental.

⚡️ 2. Ai cũng thuộc những câu hát dân ca, nhưng nhạc dân ca chưa bao giờ được đặt vào một vị trí đủ trang trọng. Tôi muốn có nhiều người yêu thứ âm nhạc của người Việt Nam này hơn cũng như các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống khác. Tôi rất yêu Việt Nam.

⚡️ 3. Nhạc metal hay cụ thể là progressive metal luôn bị áp đặt là thứ nhạc nặng nề, khó nghe. Tôi không đồng ý vì nhạc metal có nét đẹp riêng của nó. Tôi sẽ cho bạn thấy nét đẹp đó.

⚡️ 4. Những người chơi nhạc cụ ở Việt Nam luôn bị coi là BACKGROUND, tôi đã mời được 20 nghệ sĩ chơi các nhạc cụ dân tộc lẫn phương Tây để cho thấy rằng chúng tôi xứng đáng được đặt ở vị trí FOREGROUND.

⚡️ 5. Các nghệ sĩ tham gia trong “Dzanca” trải dài Bắc Trung Nam với nhiều thế hệ khác nhau. Từ nghệ sĩ gạo cội như NSUT Hải Phượng đến những nghệ sĩ trẻ đang nổi lên như Nhím (Chillies), Yellow Star Big Band hay thậm chí Guitar Hero của thế giới Jack Thammarat, DrummerBoy Cuong Nhoc… Tôi muốn nói rằng âm nhạc thì không có giới hạn cho dù là tuổi tác hay địa lý.

Single thứ 2 "Trống Cơm" vừa streaming 12.01.2021 tại Spotify, Apple Music

Các artist tham gia Dzanca

Jack Thammarat & Trần Hậu

Tôi gặp Jack Thammarat vào năm 2012 trong một sự kiện của Doremi Shop tổ chức. Khi đó, Jack mới là quán quân của Guitar Idol 2009. Tôi cùng Vinh Cóc và Trần Tín khi đó chơi mở màn cho sự kiện và quyết định chơi. bản Ytse Jam của Dream Theater, chúng tôi không hề biết là Jack đã tới và quan sát từ đầu phần trình diễn. Tất nhiên chúng tôi chơi không quá hay nhưng vẫn được Jack động viên sau đó. Sau này tôi có nhiều dịp làm việc với Jack khi làm giáo khảo của cuộc thi electric guitar của Yamaha Music Vietnam cũng như những lần sang Thái Lan được anh giúp đỡ, không thể không thể kể tới việc tôi được Jack tin tưởng giao cho phần design của “Still on the way” là album đầu tay của Jack. Khi thực hiện track “Người Ở Đừng về (Torn)”, tôi gửi lời mời tới Jack Thammarat để anh thu âm phần guest solo, sau rất nhiều hồi hộp, tôi nhận được sự đồng ý kèm với link Google Drive đã thu âm xong xuôi. Nếu được chọn một người truyền cảm hứng nhất cho những guitarist Việt Nam, tôi chắc chắn đó là Jack Thammarat.

 

Nếu không có Trần Hậu thì không có “Dzanca”. Tôi sẽ nói thật ngắn gọn như vậy! Trần Hậu chính là Co-Producer của Dzanca cùng Bùi Ngọc Quốc Linh. Tất cả phần drum và percussion sound design đều được Hậu đảm đương. Phần percussion của track “Người ở đừng về” có phần Sound Design độc nhất vô nhị: một người đánh mà như 4 người. Tôi cũng không biết thuật phân thân này tu luyện như thế nào nữa.

Đây là track đặc biệt nhất của “Dzanca” và rất hãnh diện khi được chia sẻ những hình ảnh này! Phần acoustic guitar được thu âm bới artist Nguyễn Khương An, bass bởi Vinh Nguyễn!