Lời kinh Phúc âm của Hồng y Copia bắt đầu chỉ ngót nghét một năm qua. Một đấng tôn kính, nghiêm trang, bước ra từ một tôn giáo bí huyền: mắt trái màu xanh dương sắt lẻm, trừng trừng, trong tấm vải phụng vụ phẳng phiu, dẫn đầu một tập thể những Vô danh Ngạ Quỷ trong mặt nạ bạc và những bản nhạc ngợi ca dịch bệnh, giòi bọ, tình yêu và… cái chết.
Những lượt đổi trang phục cùng trình diễn ánh sáng của Ghost có thể khiến tới Lady Gaga… đau đầu, và họ đang làm những điều mà Lady Gaga ở thời kỳ đỉnh cao từng làm: chinh phục hàng ngàn lượt khán giả, trong tư cách một trong những nghệ sĩ trình diễn đắt show nhất 2019. Trên sân khấu, trong bộ tux và găng tay da, Hồng y khiến 9000 con người phải ngả nghiêng trong tay mình, như Bruce Dickinson của Iron Maiden đã làm năm 1986.
Âm nhạc, có người ví, giống như đu dây thăng bằng giữa những hình ảnh và ca từ u ám, nhưng cây gậy thăng bằng chính là yếu tố trào lộng, dí dỏm trong các show diễn, mà vẫn không trở thành một châm biếm ai cả – kể cả Giáo hội.
Đó là những mô tả về Ghost, một trong những ban nhạc năng động nhất thế giới vào thời điểm này, với hơn một triệu fan trên Facebook, và 200 triệu stream cho Prequelle, album mới nhất và thứ 4 của ban nhạc; Ghost mở màn cho tour diễn khắp Châu Âu WorldWired của Metallica, Iron Maiden, và những nhà hát nhiều ngàn người kín nghẹt tín đồ. Ghost giành giải Grammy cho sáng tác Cirice, cùng hai đề cử Grammy khác, sau khi chinh phục từ James Hetfield tới Phil Anselmo, tiêu thụ hàng khối khổng lồ sản phẩm tại từng sô diễn.
Ghost đã bị chỉ trích vài năm trở lại đây, từ âm thanh cho tới những cáo buộc “sellout” – nhưng những điều không thật sự làm phiền nhọc giọng ca kiêm linh hồn – hay hồn ma – của Tobias Forge. Chia sẻ với Metal Hammer, anh cho rằng đó vẫn cứ là cuộc tranh luận xưa như trái đất, rằng Ghost có phải là một ban nhạc metal hay không, chúng tôi có ăn cắp ý tưởng của Mercyful Fate hay không, vân vân.
Hơn ai hết, Tobias hiểu nhóm nhạc mới thành lập cần phải tự nuôi sống bằng bất cứ điều gì xảy ra. Rất nhiều tranh cãi và quan điểm trái chiều, đốp nhau chan chát về mọi thứ Ghost làm ra, dường như vẫn nằm trong quy luật như cách nói của nhà văn Oscar Wilde, điều tồi tệ hơn thị phi là chẳng có tí thị phi gì: họ càng nói về chúng tôi thì traffic càng cao hơn. Ghost như thể bị dứ vào mặt người hâm mộ, và bọn họ không bao giờ nói về ban nhạc, theo Tobias, nếu Ghost không thành công.
Trước 2010, Tobias Forge là thành viên nhóm death metal Repugnant vùng Linköping, với máu giả và corspepaint, và một thời niên thiếu ngập ngụa trong heavy metal.
Ghost vẫn còn cố kết trong những ý tưởng ban đầu Tobias từng có khi viết câu riff của Stand by Him – Him chính là Satan – như một nghệ sĩ metal gần như vô danh tại Thụy Điển. Tobias Forge, như nhiều mô tả khác nhau, tựu trung là một anh chàng vẻ ngoài thân thiện, tư lự, một rocker khiêm nhường, một người đàn ông của gia đình hơn là những gì anh chọn thể hiện trên sân khấu.
Là fan cứng, thâm niên của Queen và Kiss, Tobias Forge là một tín đồ thuần thành cho tính cải hoán của âm nhạc, nhưng những bài học lớn nhất để vươn tới thành công của ngày hôm nay, anh học từ Iron Maiden và Metallica.
“Những gì tôi muốn làm trong cuộc sống rất giống với những gì những thần tượng của tôi đã và luôn làm – đó là ghi âm, lưu diễn trình diễn khắp thế giới và gây tác động sâu sắc lên khán giả theo cách họ đã tác động sâu sắc lên chính tôi. Họ là Iron Maiden, là Metallica”
Mỹ học và ý tưởng của ban nhạc hoàn toàn là một mash-up tổng hòa tất cả mọi thứ tôi lớn lên cùng và thưởng thức, là black metal kết hợp với phim kinh dị và nghệ sĩ trình diễn sân khấu. Tobias tự nhận lúc nào anh cũng là fan của một nhân vật có khả năng cân bằng thiên tài, sự duyên dáng lẫn sự lố bịch cùng lúc. Đó là khởi đầu của Papa, giọng ca của Ghost: hắn ta ngầu, nhưng cũng hơi chệch choạc và lố bịch – hài hước nữa.
Theo thống kê, trong vòng 10 năm cần có 5 đĩa nhạc để đi từ con số không sang một con số trước khi trở thành con số một. Ghost thành công không chỉ bởi những sáng tác hay, một live show tốt và chiêu trò thành thạo – lịch sử metal không thiếu vắng những ban nhạc thất bại dù sở hữu cả ba, mà khác biệt chính là Tobias là người có quyết tâm vững như bàn thạch với kế hoạch của mình, là tay thủ lĩnh đích thực. Anh không phải một nghệ sĩ khổ tứ lao tâm, hay một tội đồ muôn thủa mà rock’n’roll vẫn ưa tìm kiếm, mà là đại sứ thương hiệu với một cái đầu đầy toan tính và những tầm nhìn minh mẫn, hiểu vô cùng thấu rõ những gì cần phải làm để bất tử gia tài âm nhạc của Ghost.
“Tôi luôn cố thúc bách bản thân viết những ca khúc chúng tôi chưa có hơn là lặp đi lặp lại một công thức – cho dù viết giống album đầu tay Opus có thể là một nước đi khôn ngoan. Tôi có thể làm mới. Tôi lớn lên cùng với metal, nó nằm trong DNA của tôi, nên viết ca từ death-metal thật là quá dễ. Nhưng tôi cố không lặp lại chính mình. Cũng như Kill ‘Em All của Metallica hơi thô ráp, nhưng đến Ride the Lightning mọi thứ đã thật hơn, có chiều sâu hơn. Tôi cũng không muốn thay đổi tất cả mà chuyển sang bàn về thế sự, dù nó có thu hút sự quan tâm của nhiều người hơn (người đồng hương Thụy Điển nửa số tuổi của Tobias, Greta Thunberg đã và đang làm điều này, về biến đổi khí hậu).” Anh tin rằng khi đã có sự quan tâm của công chúng, ta cũng phải có trách nhiệm với lời lẽ mình phát ngôn, điều đôi khi thật khó khăn, thậm chí còn khó hơn thử thách về âm nhạc.
“Mỗi ngày tôi tự nhắc mình tới được đây đã là rất đáng gờm. Ta cần phải trân trọng 100% và làm tốt nhất có thể mỗi ngày, luôn đốc thúc trau dồi.”
“Hầu hết fan của Kiss đều có thể trỏ ra thời kỳ nào của ban nhạc chỉ bằng nhìn vào hình ảnh và trang phục trên sân khấu. Ta có thể nói ngay, đó là quãng năm 75, kia là 76, mùa xuân, kia là mùa thu, đó là đĩa Rock and Roll Over, kia là Destroyer. Muốn Ghost tồn tại bền vững, chúng tôi phải tạo nên những triều đại khác nhau,” anh chia sẻ về bài học thương hiệu đắt giá từ Kiss.
“Tôi là dynamo, nhưng quanh tôi còn có rất nhiều con người, cả một cỗ máy vận hành. Mỗi khi tôi muốn làm điều gì đó tôi trước tiên cần phải thuyết phục X con người, để họ rót tiền và ủng hộ điều tôi muốn làm. Đương nhiên ở cấp độ nghệ sĩ phôi thai là như thế, nhưng đó cũng là thứ duy nhất ta cần: mớ đất sét nặn để từ đó nặn nên bất cứ thứ gì. Rõ ràng tôi cũng cần người này người kia quanh mình để tiến hành bất cứ ý tưởng nào tôi muốn, hình ảnh, âm nhạc hay thậm chí điện ảnh. Mỗi ý tưởng đều cần phải trải qua giai đoạn “mình có thật sự muốn làm nó hay không” kia mà.”
Nhưng Tobias trong lúc nguệch thêm ý tưởng đã nghĩ ra hình ảnh một nhân vật tựa như Giáo hoàng. Papa Emeritus ra đời. Giai đoạn từ 2008 tới 2009, có đâu đó chỉ chừng 20 người biết rõ hành tung của Ghost, qua những lời chào mời không thành từ Tobias đến nhiều tên tuổi khác trong metal scene, như Solitude (Doom metal), Tribulation (Death metal), Watain (prog death metal). Bị từ chối, bất đắc dĩ, Tobias đảm nhiệm luôn vai trò Papa, giọng ca kiêm lãnh tụ theo nghĩa bóng và nghĩa đen… tối của Ghost.
Những bản nhạc đầu tiên của Ghost xuất hiện trên Myspace, đúng ngày 12 tháng 3, 2010.
“Khi ấy tôi đã 29 tuổi, sẽ chẳng còn có cơ hội thứ hai. Đoàn tàu đã lăn bánh rời đi. Ta có thể chọn ở lại, ngồi yên và tự hỏi suốt cuộc đời, hoặc đi theo nó.”
Phần còn lại thì như chúng ta đã biết.
Nhờ sự dân chủ hóa về công nghệ, ngày nay chúng ta chứng kiến thảm họa, thiên tai, đổ máu cũng thường xuyên như những tấn thảm kịch do con người gây ra, ở mật độ hàng ngày, thậm chí hàng giờ, đến mức những hình ảnh Satanic của heavy metal dường như đã cũ mèm, thậm chí hoài cổ hay xa lạ. Những kẻ bảo thủ trước kia từng cho rằng những nghệ sĩ như Marilyn Manson kích động những thứ bạo lực, thù ghét phụ nữ và tự hoại tệ hại nhất, giờ đây cũng nhường bước cho hai vế đầu tiên trước cộng đồng mạng, với những trò giễu võ giương oai không thể kệch cỡm, và bạo lực, hơn được. Có lẽ cách những Manson, hay tiền bối của anh như Kiss, Alice Cooper, thậm chí Black Sabbath, Venom của làn sóng NWOBHM là quá sức nặng nề với những tâm hồn mong manh, nhưng lại quá đỗi mong manh, yếu ớt trước bất kỳ con mắt tinh tường, giỏi phán xét nào… Xã hội lúc nào cũng cần những kẻ biện minh cho cái ác, những kẻ khiến chúng ta chất vấn những giả định của bản thân về những kẻ nắm quyền uy, những lề thói chung của xã hội và nền văn hóa. (Trích tự do từ bài viết Sự trỗi dậy và lụi tàn của Shock Rock – trang Medium của Wisecrack)
Trở thành một thành viên trong một ban nhạc thành công, gặt hái nhiều danh tiếng là một chuyện, nhưng là tác nhân gánh vác toàn bộ thành công ấy trên vai là một chuyện… hoàn toàn khác.
Opus Eponymous phát hành ngày 18 tháng 10, 2010, và chỉ sau 3 năm trình diễn tại những hộp đêm gần gũi, chật chội, nhóm đã chuyển sang những sô diễn 5000 người, và chẳng mấy chốc mở màn cho những ông lớn từ Metallica tới Foo Fighters tới Iron Maiden. Trong chưa đầy một thập niên, Ghost đã giành một giải Grammy, tung ra bốn album, 2 EP, một albim live và double single Seven Inches of Satanic Panic
Ấy vậy mà ban đầu, Tobias chỉ hình dung Ghost giống như một ban nhạc sân khấu/trình diễn sắp đặt như Sunn O))), trình diễn tại festival Roadburn, những đêm hòa nhạc arthouse, hay London Scala.
Không thành công nào xảy ra mà không đi kèm tổn thất, tới đồng đội, cha mẹ, con cái. Con tôi 10 tuổi. Gia đình tôi đã phải chịu đựng rất nhiều để Ghost tồn tại. Cái giá phải trả cho thành công còn những linh hồn Ngạ quỷ nằm la liệt – tức những cựu thành viên khởi kiện Tobias hồi 2017 vì không “ăn đồng chia đủ” – Ghost về cơ bản là một nhóm nhạc một thành viên và những tay đánh thuê, hơn là một tập thể cùng chung tay sáng tác, nhưng Tobias vẫn trụ vững trong vai trò bậc thầy điều khiển rối của cộng đồng metal ngày nay, dù đó là truyền thông, fan, hay những nhà phê bình.
“Metal của ngày hôm nay, không như những năm 1975, đã trở thành một dòng nhạc trọn vẹn đến độ những ai ở độ tuổi 40+/- đều đã sống trọn đời mình và biết rõ heavy metal là gì – họ chẳng phải đám đông lạ lẫm của nhiều thập niên trước kia khi lần đầu tiên nghe thấy những Back in Black của AC/DC, hay Alive! của Kiss…. Công cụ giãi bày bản thân và những gì thân thuộc nhất của tôi cũng chính là heavy metal – nhất là những ban nhạc đang đình đám khi tôi còn rất bé. Khoảng năm 1984, khi tôi mới ba tuổi, đó là những Twisted Sister, Motley Crue, WASP và Kiss. Tôi yêu thích rất nhiều âm nhạc từ thời 60 và pop rock 70, và tất cả mọi phong cách âm nhạc khác nhau.”
“Cả thời thiếu niên, tôi “mài đũng quần” trong death và black metal, do đó chủ đề Satanic luôn hiện hữu. Khi Ghost xảy ra, với tôi hoàn toàn chẳng có gì mới mẻ về hình ảnh cả – mà nó đến một cách hết sức tự nhiên. Lúc nào tôi cũng thích vẽ ra những đường thẳng song song, và cách diễn đạt của tôi thường thiên về bóng tối, sự u ám, theo cách của Nick Cave hay Leonard Cohen vẫn làm. Tôi thấy có thể đồng cảm với họ hơn với Venom. Satanism là một biểu tượng rất hay phục vụ cho sự hỗn độn, mâu thuẫn, và hầu hết các ca từ từ album thứ hai trở đi đều có những dáng dấp song le với những gì xảy ra trong cuộc sống, trên thế giới ngoài kia.”
Bị so sánh với Blue Oyster Cult, Tobias Forge nhanh chóng phản pháo không hề chịu ảnh hưởng, mà nhắc tới lối giã trống của Russell Gilbrook nhóm Uriah Heep mà anh đã “trưng thu” cho các khúc nhạc mở đầu cho cả ba album trước Prequelle, ảnh hưởng từ nhóm nhạc mà anh vô cùng yêu thích, đặc biệt là album Return To Fantasy năm 1975, hay Look at Yourself năm 1971.
Tobias cũng tỏ lòng kính trọng dành cho Leonard Cohen, và bản cover Avalanche trong Prequelle là một tuyên xưng anh dành cho bậc thầy quá cố, cũng là ca khúc của Cohen Tobias cảm thấy phù hợp nhất với “mùi vị” Ghost. EP Seven Inches of Satanic Panic mới nhất của Ghost, theo Tobias, chỉ là một đoạn nhô lệch của Ghost, và hầu như chẳng nói lên bất cứ điều gì về album sau Prequelle cả. Anh tếu táo cho rằng, 2 single được sáng tác bởi thế hệ sinh ra và lớn lên từ 50 năm trước, thập niên 60 thế kỷ trước, và trước cả số tuổi thực 38 của anh.
Ghost độc đáo ở chỗ, dù là một ban nhạc “metal” theo bất cứ nghĩa nào, Tobias lại không chọn làm việc cùng những nhà sản xuất metal – những người dường như rất hiểu mục đích của mình là gì, và làm cực kỳ xuất sắc. Nhưng cách làm việc này dường như cũng đi ngược lại với tôn chỉ sáng tạo của Ghost.
Với album thứ 3, Meliora, một nhà sản xuất âm nhạc thị trường, từng viết nhạc cho Ellie Goulding, Britney Spears, Kylie Minogue, Usher và nhiều tên tuổi thị trường danh tiếng khác – Klas Åhlund – được mời hợp tác. Klas đồng thời còn là một nghệ sĩ chơi progressive, có khả năng diễn tấu guitar chẳng kém những Yngwie Malmsteen (vẫn là một người Thụy Điển). Sự đa dạng trong nhạc mục hấp thu và tiếp thu giữa hai bên khiến quá trình viết nhạc diễn ra vô cùng cởi mở và song suốt, nhưng cũng không đề cao cụ thể bất kỳ nghệ sĩ nào khác như vẫn thường xảy ra với một nhà sản xuất chỉ chuyên về metal – mọi thứ khác chỉ là… nhạc tầm thường.
Hồng y Copia, nhân vật thay thế cho 3 Papa Emeritus trước đó (vốn tự thay thế và hoàn bị thêm), có thể sẽ còn tồn tại thêm chừng 5 năm và vài album nữa, Tobias tự nhận. Nhỡ đâu Hồng y Copia một ngày nào đó được tấn phong thành Papa Emeritus IV thì sao?
Giới hạn duy nhất chính là trí tưởng tượng của người sáng tạo, và của mỗi chúng ta, trong tư cách đối tượng thụ hưởng
“Chúng tôi vẫn là một ban nhạc rock, và chúng tôi vui thú với những gì mình đang làm…Trong đầu, tôi đang ở năm 2022.”