Cùng gặp gỡ Bùi Viết Cường – aka Ozzy Bùi – là producer của những sản phẩm âm nhạc gần đây của Microwave, trong đó có “Giấc mơ 20” với một hành trình thực hiện kéo dài 2 năm. Ngoài ra anh còn biết đến trong vai trò là guitarist/producer của ban nhạc Bụi Gió.

Cơ duyên nào của anh đến với single "có nhiều chuyện để nói" này?

Khi Microwave bắt tay vào việc sản xuất bài “Giấc mơ 20”, tôi được giao nhiệm vụ thu âm, cố gắng đạt được chất lượng âm thanh tốt nhất để gửi sang Mỹ mix và master như cách mà ban nhạc đã thực hiện album 10 cách đây 7 năm. Tôi coi đây là dịp tốt để trau dồi kĩ năng thu âm, và quan trọng hơn là được học hỏi cách mà Microwave phối bài, lựa chọn những cây đàn, những âm thanh hay, những chất liệu mới lạ để đưa vào bản thu. Trong suốt quá trình làm album 10, tôi đã nhiều lần được chứng kiến sự kì diệu khi Microwave biến những bản demo nghe qua không có gì ấn tượng thành những bản hit như Phai, Quên, Nhớ, v.v…

Những khó khăn gặp phải ban đầu

Quá trình sản xuất bài “Giấc mơ 20” không được suôn sẻ như mọi khi. Từ bản demo anh Tùng thu qua điện thoại, đến bản dựng với đầy đủ nhạc cụ trong phòng thu đều không tạo được kết quả như mong đợi. Lí do thì rất nhiều, theo đánh giá chủ quan của tôi, việc ban nhạc không còn chơi nhạc hàng tuần là một nguyên nhân chính khiến mạch sáng tạo của ban nhạc dường như bị “tắc” lại. Thêm vào đó, giữa các thành viên đã bắt đầu xuất hiện sự khác biệt trong phong cách âm nhạc mà họ đang theo đuổi. Trước đây, nếu mỗi album mà Microwave sản xuất đều có một phong cách riêng được định hình, thì với “Giấc mơ 20”, ban nhạc chưa định hình được phong cách chơi nhạc lần này.

Hoàn thiện phần lời bài hát

Như đã nói ở trên, bản demo đầu tiên dựng theo ý của anh Tùng gặp 2 vấn đề chính: nghe rất giống một bài hit trước đây của chính Microwave, và phần điệp khúc chưa đủ cháy bỏng, chưa tương xứng với phần phiên khúc đã rất lôi cuốn. Anh Tuấn đã thử viết một đoạn điệp khúc khác, và thêm cả một phần bridge. Anh Tùng và Khanh cũng cùng nhau viết một đoạn điệp khúc nữa. Cuối cùng, đoạn điệp khúc do anh Tùng và Khanh viết đã được chọn để đưa vào bài, và ban nhạc lần đầu tiên ra mắt sáng tác này tại một show diễn ở Hà Nội tháng 8 năm 2022. Sau đó, Khanh tiếp tục viết thêm phần bridge cho ca khúc này và đến đây, coi như phần sáng tác đã được hoàn thành.

Những ý tưởng phối bài đầu tiên

Quay trở lại phòng thu, để làm mới, anh Lủng đề xuất tăng tempo bài từ 75 bpm lên 85 bpm đồng thời phần trống nên đánh theo style funky (mà anh Lủng đang theo đuổi). Tổng cộng đã có tới 3 phiên bản với các điệu trống funky và tempo khác nhau, nhưng tất cả đều nghe không hợp với bài. Tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm này, anh Lủng đã đưa ra một định hướng rất quan trọng về cách phối bài: tối giản với các nhạc cụ trống bass guitar, và không sử dụng quá nhiều lớp guitar xếp chồng lên nhau. Ban nhạc cũng thống nhất việc hạ tone bài xuống hẳn 1 cung để giai điệu da diết mượt mà hơn, thể hiện sự bồi hồi khi nhắc đến những giấc mơ thủa 20 của những người đàn ông đã ngoài 40. Đến giai đoạn này, cả phần sáng tác lẫn định hướng phối bài cũng đã hình thành, tưởng chừng mọi việc sẽ tiếp diễn suôn sẻ, tuy nhiên tôi lại có cảm giác ban nhạc đã cạn ý tưởng hoặc động lực để hoàn thiện bài này sau một thời gian dài thử nghiệm mà không đạt được kết quả ưng ý.

Mặc dù đã xác định từ đầu rằng vai trò của tôi chỉ gói gọn trong việc thu âm sao cho tốt, tuy nhiên tôi cũng âm thầm thử tự đặt mình vào vai ban nhạc, luôn tự hỏi nếu là tôi thì sẽ xử lí theo hướng nào. Tôi âm thầm tạo một bản demo với trống và bass line...  Tự mix bài và xem đó như làm bài tập về nhà để rèn luyện thêm kỹ năng... Tôi mất thêm 2 tuần để tỉa tót lại bản mix và sau đó tự master từ lời "nhờ" của anh Lủng...

— Ozzy Bùi chia sẻ

Trong suốt quá trình làm việc với ban nhạc, mặc dù đã xác định từ đầu rằng vai trò của tôi chỉ gói gọn trong việc thu âm sao cho tốt, tuy nhiên tôi cũng âm thầm thử tự đặt mình vào vai ban nhạc, luôn tự hỏi nếu là tôi thì sẽ xử lí theo hướng nào. Bẵng đi một thời gian, ban nhạc có lẽ chọn cách tạm nghỉ để refresh đầu óc nên việc tiếp tục triển khai bài hầu như không có gì mới mẻ. Nhưng đó là về phía ban nhạc, còn tôi, trong đầu vẫn luôn suy nghĩ về các hướng đi có thể cho bài này.

Theo quan điểm của tôi, bài này chỉ phù hợp với tempo 75 bpm và điệu trống kiểu slow surf. Tuy nhiên để nó không bị giống với bài hit trước đây thì phải làm sao đây, khi vòng hoà âm, tempo và beat cũng giống như bài đó. Tôi lên youtube, lục lại các bài trong trí nhớ mà tôi cho rằng có cùng tempo, cùng beat, và cũng là hợp âm vòng, với hy vọng may ra tham khảo được gì đó. Tình cờ, trong quá trình lang thang tưởng như vô tận đó, tôi nhớ ra chiêu kẹp capo lên đàn guitar thùng. Khi đó tôi có thể chơi với một thế bấm hợp âm khác để tạo ra màu sắc lạ hơn, cụ thể là khi kẹp capo ở ngăn thứ 5, tôi có thể chơi bài “Giấc Mơ 20” (tone Am) nhưng với thế bấm của Em9-Cadd9-G-D. (Click xem video Ozzy Bùi hướng dẫn bên dưới)

Người "producer" thầm lặng

Tôi âm thầm tạo một bản demo với trống và bass line điệu slow surf, tempo 75 bpm, thu 1 track guitar thùng kẹp capo, nhờ Khanh thu vocal và liều mạng gửi cho band nghe thử. Tôi phải dùng từ liều mạng, vì tôi đang đi ngược lại ý đồ của anh Lủng, và bỏ luôn cả phần guitar thùng lẫn các câu lót guitar điện mà anh Tùng đã thu trước đó. Ngược lại với lo lắng của tôi, ban nhạc ko la rầy gì hết mà đồng ý cùng tôi thử nghiệm theo ý tưởng tôi vạch ra. Anh Tuấn đề xuất tuy trống đánh slow surf nhưng phần bass line vẫn có thể sử dụng những câu theo style funky mà anh Tuấn đã nghĩ ra trong các lần thử nghiệm trước. Anh Tùng đồng ý sử dụng track guitar mà tôi đã thu, thậm chí phần phiên khúc anh Tùng cũng chỉ đánh những câu lót giữa các đoạn nghỉ của vocal.

Để thu được một sound trống thiệt đẹp...

Để phần nào “xoa dịu” anh Lủng, tôi dành ra vài tuần để thu được một sound trống thiệt đẹp, đặc biệt là phần snare. Tôi đã phải thử 3 cái snare, mỗi cái loay hoay tune mặt và tìm các phương án thu và mix để đạt được yêu cầu của anh Lủng: nghe phải mộc mạc và tạo được cảm giác đang nghe trực tiếp sound của bộ trống trong phòng thu chứ không phải một thứ âm thanh đã qua quá nhiều quá trình xử lí. Tôi cũng xin nói thêm một chi tiết nhỏ về bộ trống được sử dụng trong bài. Đó là bộ trống hiệu Ludwig với một size quái dị: kick 14×26, rack tom: 8×12, floor tom: 11×15. Toàn bộ được sản xuất tại Mỹ, đặc biệt cái kick có tuổi ngoài 80 (được sản xuất những năm 1940). Đây là bộ trống được tôi săn lùng mua theo sở thích cá nhân, nó hoàn toàn khác so với bộ trống DW Collector Series mà anh Lủng đặt hãng custom. Do đó khi anh Lủng nói rằng sau một thời gian làm việc ở studio, anh Lủng cũng khoái khoái sound bộ trống của tôi, thậm chí yêu cầu đưa luôn vào bài “Giấc Mơ 20” thì tôi hết sức ngạc nhiên. Nhưng cũng chính điều này đã tiếp thêm cho tôi sự kiên trì để tìm cách thu được sound ưng ý của bộ trống mà tôi yêu thích.

4 tháng trong studio với phần chọn lựa thu guitar

Sau khi đạt được sound trống mà anh Lủng “phê duyệt”, cùng với phần bass line funky của anh Tuấn, và phần guitar thùng của mình, tôi cùng với anh Tùng bắt đầu “săn lùng” sound guitar. Nhờ quen biết khá nhiều tay chơi guitar, tôi đã tập hợp được kha khá những cây đàn độc và lạ. Cùng với những cây đàn mà tôi và anh Tùng có sẵn, chúng tôi có khoảng 20 cây đàn đủ các cấu hình khác nhau. Mỗi cây đàn, khi kết hợp với một tube amp lại cho ra màu sắc khác nhau, gợi mở những ý tưởng khác nhau để hoàn thiện nốt những track guitar của anh Tùng. Suốt 4 tháng, tôi và anh Tùng cứ thế hẹn nhau tại phòng thu, thử nghiệm cây đàn này với amply kia, rồi chắt lọc lại, chỉ đưa những âm thanh, những câu guitar đặc sắc nhất vào bản phối, còn lại bỏ hết.

Đến đây, những gì chúng tôi đã đạt được gồm có: một sound trống cổ, mộc mạc, một bass line funky, phần guitar thùng với những hoà âm mới, phần guitar điện tinh tế với những câu guitar lót và đoạn solo guitar cháy bỏng. Cả tôi và nhóm đều rất hài lòng với kết quả, vì nó không chỉ đạt được tiêu chí ban đầu đề ra, mà còn có màu sắc rất mới lạ trên nhiều khía cạnh. Cho tới lúc này, cấu trúc của bài hát như sau: Intro – phiên khúc 1 – điệp khúc – giang tấu – phiên khúc 2 – điệp khúc – guitar solo – bridge, coi như đã gần hoàn thiện. Anh Tùng đề xuất sau bridge, sẽ hát 2 lần điệp khúc, với âm thanh guitar thật nặng, để tạo sự cao trào, rồi kết thúc cũng bằng câu guitar giống như intro.

Thời điểm Microwave trong phòng thu Javana's home của Ozzy Bùi

— tháng 4.2021

Điều làm tôi vẫn chưa hoàn toàn hài lòng, là bài vẫn còn thiếu một cái gì đó để thực sự bùng cháy. Lần này, tuy đã được ban nhạc tin tưởng hơn, tôi vẫn rất đắn đo không biết có nên tiếp tục can thiệp vào bài hay không, một phần vì cấu trúc của bài đã khá hoàn thiện với phiên khúc, điệp khúc và bridge, chưa kể ban nhạc cũng đã chịu thực hiện rất nhiều đề xuất của tôi và kết quả cũng đang tốt cơ mà. Dù sao, có khúc mắc thì vẫn phải mạnh dạn thôi.

Tôi hẹn anh Tùng và Khanh qua studio, trình bày quan điểm và tìm cách. Anh Tùng có nghĩ ra một câu guitar, mỗi hợp âm chỉ đánh lặp đi lặp lại 2 nốt, như vậy đã phần nào tăng thêm được cao trào. Khanh cũng nghĩ ra một giai điệu mới, lời mới để hát cùng phần guitar đó, nhưng tôi cho rằng nếu như vậy cấu trúc bài sẽ rất phức tạp và quá nhiều lời. Tôi gợi ý Khanh hát, hoặc là điệp khúc hoặc là phiên khúc, nhưng với một giai điệu hoàn toàn khác và trong khi Khanh vẫn đang lẩm nhẩm thì có một cái gì đó xẹt qua trong đầu tôi. Tôi vô thức hát phần phiên khúc với một giai điệu không hiểu từ đâu gieo lên: “Khói thuốc trắng che màn đêm gói kí ức xưa vẹn nguyên”, anh Tùng liền nối tiếp luôn: “Chỉ là những giấc mơ”. Khoảnh khắc đó đối với tôi thực sự rất đẹp, vì lúc đầu tôi còn đang không biết nói làm sao để anh Tùng hiểu được băn khoăn của tôi thì giờ đây chúng tôi đã tìm ra được giải pháp không thể trọn vẹn hơn.

Tôi đã cắt đoạn guitar thùng của anh Tùng, giờ còn đòi cắt luôn guitar outro

Tuy nhiên, trong khi mix sơ bản demo để gửi cho ban nhạc nghe thử, tôi nhận thấy khi hát một đoạn như chúng tôi vừa nghĩ ra chỉ 2-3 lần rồi kết thúc bằng câu guitar giống câu intro, tôi thấy nó cứ phí phí thế nào. Tôi lại liều mình nhắn tin cho a Tùng, đề xuất bỏ đoạn guitar đó đi. Chỉ cần hát đoạn cuối đó 2-3 lần và để bài fade out, sẽ tạo được cảm giác bồi hồi xúc động hơn nhiều. Lần này anh Tùng đồng ý rất nhanh và sau khi tôi gửi bản demo thì cả ban nhạc và anh em DistrictM đều hài lòng. Quá trình sáng tác và phối bài tới đây là kết thúc.

Một lần nữa, tôi thấy hướng đi đó không phù hợp và tôi lại âm thầm tìm cách. Điều làm tôi vẫn chưa hoàn toàn hài lòng, là bài vẫn còn thiếu một cái gì đó để thực sự bùng cháy. Lần này, tuy đã được ban nhạc tin tưởng hơn, tôi vẫn rất đắn đo không biết có nên tiếp tục can thiệp vào bài hay không, một phần vì cấu trúc của bài đã khá hoàn thiện với phiên khúc, điệp khúc và bridge, chưa kể ban nhạc cũng đã chịu thực hiện rất nhiều đề xuất của tôi và kết quả cũng đang tốt cơ mà. Dù sao, có khúc mắc thì vẫn phải mạnh dạn thôi.

— Ozzy Bùi

Sau khi hoàn thiện nốt những phần thu âm cần phải trau chuốt lại, tôi gửi project sang Mỹ để một người bạn của anh Tùng thực hiện công đoạn mix. Anh Lủng có nhắn tin riêng cho tôi, nói rằng: “em làm việc với anh lâu rồi, em sẽ hiểu anh nhất. Bạn người Mỹ có thể mix hay nhưng sound trống chưa chắc đã đúng ý anh nên anh muốn em cứ mix thử một bản để band chọn”. Chẳng cần anh Lủng phải nhắn tin riêng như vậy, với thói quen của mình tôi vẫn cứ âm thầm tự mix, coi như làm bài tập về nhà để rèn luyện thêm kỹ năng. Việc phát triển các bản demo thành bản mix kĩ lưỡng hơn cũng không chiếm quá nhiều thời gian của tôi vì bài cơ bản là rất ít track, nên tôi không quá tốn công để làm cho mọi nhạc cụ phải rõ. Chủ yếu là phải đạt được yêu cầu của ban nhạc: âm thanh mộc mạc và tạo được cảm giác như đang nghe trực tiếp các nhạc cụ đó trong studio. Bản mix từ Mỹ gửi về với một góc nhìn hiện đại, tuy nhiên nó rất khác với tiêu chí của ban nhạc đề ra do đó đã không được chọn.

Lựa chọn 4 bản master bằng hình thức blind test

Tôi mất thêm 2 tuần để tỉa tót lại bản mix và gửi đi master. Tôi chọn được một chuyên gia mastering người Anh, đồng thời cũng nhờ thêm Trần Thắng (ban nhạc Ngũ Cung), anh Tùng nhờ một người bạn bên Mỹ còn anh Lủng nhờ … tôi master. Chúng tôi sẽ có 4 bản master để lựa chọn bằng hình thức blind test. Anh Lủng đã quá quen thuộc với âm thanh do tôi tạo ra nên dễ dàng chọn ra bản do tôi master. Tuy nhiên cả tôi và các thành viên khác của Microwave cũng như DistrictM đều chọn bản của Trần Thắng. Mọi việc vẫn chưa dừng lại ở đó. Trong suốt khoảng thời gian từ tháng 3 đến đầu tháng 6 năm 2023, tôi đã yêu cầu Thắng sửa đi sửa lại bản master đến hơn 10 lần để bản nhạc dù phát trên hệ thống loa nào cũng thể hiện rõ màu sắc âm nhạc mà Microwave định hướng. Mặc dù mỗi lần sửa bản master trên hệ thống analog là hết sức phức tạp, Thắng chưa một lần kêu ca, luôn luôn đáp ứng ngay khi có thời gian. Thêm vào đó, với bề dày kinh nghiệm của mình, Thắng đã thẳng thắn góp ý những điều chưa tốt ở bản mix để tôi cải thiện trong những dự án tiếp theo. Nhân đây, tôi muốn xin gửi lời cảm ơn đến Thắng đã giúp đỡ tôi và Microwave hết mình.

Hoàn thành “Giấc mơ 20”, điều lớn lao nhất tôi đã đạt được không phải là được xướng danh trong phần credit với vai trò Music Producer, mà là chặng đường đồng hành cùng ban nhạc vun đắp cho bài hát này. Trên chặng đường đó, tôi đã học được rất nhiều bài học quý giá, từ cách tư duy, hoàn thiện bản phối, đến kỹ thuật thu âm, mix bài, cũng như cách làm việc nhóm, đối mặt với những mâu thuẫn, thẳng thắn nhìn nhận những sai lầm để cũng nhau hoàn thiện. Tôi cảm ơn ban nhạc Microwave đã kéo tôi vào hành trình phiêu lưu kì thú này. Tôi cảm ơn anh em DistrictM đã là những hậu phương vững chắc, tạo mọi điều kiện để chúng tôi toàn tâm toàn ý hoàn thiện phần audio. Đồng thời, chính DistrictM đã tổ chức sản xuất phần music video xuất sắc cho “Giấc mơ 20”. Đây có lẽ cũng chính là một giấc mơ đẹp đối với tôi, Microwave và DistrictM để 20 năm sau khi nhìn lại chúng tôi vẫn cảm thấy bồi hồi.

Ozzy Bùi,

Sài Gòn, 23/6/2023