Từ một khởi đầu tuyệt vời đến thành công huy hoàng, điểm danh 15 ca khúc để hiểu thêm về cách nu-metal đã thay đổi thế giới…
Trong hầu hết những thập niên đầu 90 và đến 2000, nu-metal là thế lực thống trị trong thế giới âm nhạc đại chúng của thế giới. Vào đầu thiên niên kỷ mới những cái tên như Korn, Limp Bizkit, Deftones, Slipknot và Linkin Park đều là những ban nhạc có số lượng single, album bán chạy – đứng top các bảng xếp hạng âm nhạc hàng đầu. Một chặng đường lịch sử của nu-metal cần kể lại 15 ca khúc hát quan trọng nhất của thể loại và hãy cùng xem câu chuyện nu-metal diễn ra như thế nào…
(biên tập và bổ sung từ tạp chí Kerrang!)
0. Walk This Way - Run-D.M.C. feat Aerosmith
Là ca khúc hit của Aerosmith phát hành năm 1975 trong album Toys in the Attic. Năm 1986, bản cover lại của huyền thoại hip-hop Run-D.M.C. (collab với Aerosmith) đã gây tiếng vang khi lần đầu tiên kết hợp rock với rap, hip-hop. Dễ dàng thấy những chất liệu nguyên thuỷ của hip-hop như hát rap, “chà đĩa” (scratching) vẫn hoà quyện nhịp nhàng với câu riff quen thuộc của Walk This Way – music video của ca khúc cũng khá thú vị khi 2 đại diện của 2 dòng nhạc “phá” bức tường rào (tưởng khó mà kết hợp được với nhau) và cùng đứng chung trên một sân khấu.
Đây cũng được xem là ca khúc khởi nguồn cho nu-metal về sau này. Điều đặc biệt ít người biết là mảnh ghép của Run-D.M.C., McDaniels, từng có mặt và biểu diễn tại Tp.HCM trong tiệc khai trương Hard Rock Cafe vào 2009 – một trong những tên tuổi hiếm hoi (và duy nhất) của hip-hop thế giới từng đến Việt Nam.
P/s: trước đó vào năm 1985, Run-D.M.C. cũng đã gây bão MTV với ca khúc King of Rock khi kết hợp rap rock
1. Anthrax & Public Enemy – Bring The Noise (1991)
Tưởng đâu là nước đụng dầu: một đàng là tứ trụ thrash metal Anthrax, một đàng là tiên phong hip-hop Public Enemy. Và cũng trong thời điểm này, lằn ranh chia cắt giữa metal và hip-hop cũng rạch ròi chẳng kém gì fan của hai thể loại nhạc. Nhưng điểm giao của cả hai cũng chẳng ít ỏi: Anthrax và Public Enemy đều xuất thân từ đường phố New York, đều sẵn sàng thử sức với cái mới, và đều chơi nhạc “ồn”. Đáp lại tấm “thịnh tình” Scott Ian (guitar Anthrax nếu bạn chưa biết hay “cạy” ra) đem merch của mình lên sân khấu, Public Enemy không chỉ nhắc tên Anthrax trong bản Bring The Noise gốc, mà còn “remix” theo phong cách metal. Dù ghét hay thương, Bring The Noise remix đã gieo hàng ngàn hạt giống về sau.
2. Rage Against The Machine – Killing In The Name (1991)
Là ca khúc có lẽ hay nhất từng được viết về chủ đề phân biệt chủng tộc có hệ thống giữa lòng lực lượng cảnh sát Mỹ, Killing In The Name còn giằng thật lực những biên giới biểu đạt của rock. Dù Tom Morello – guitarist nổi tiếng “drop D”, cũng là fan cứng của Iron Maiden và Van Halen – vẫn còn ít nhiều tiết chế các khuynh hướng metal trong sáng tác, chính anh cũng đặt nền móng cho phong cách sắp ra đời. Trên nền nhạc nặng trình trịch, beat nhạc rất ư funky cũng lại cực kỳ dễ nhảy múa theo, trong khi ca từ nộ khí xung thiên của Zack de la Rocha cho thấy tiềm năng phản kháng thông qua âm nhạc có thể tiến xa được tới đâu. Killing In the Name được chọn làm tên album, với artwork là ảnh chụp cảnh tượng kinh hoàng ngay tại Việt Nam năm 1963 – Thượng Tọa Thích Quảng Đức tự thiêu nhằm phản đối đàn áp của chính quyền đương thời. Ngày nay, di tích được nhiều nghệ sĩ metal quốc tế muốn tham quan khi lưu diễn hoặc du lịch tại Saigon, cho thấy phần nào độ phổ biến của album.
3. Korn – Blind (1994)
Y như các sáng tác trên, Korn của Korn ra mắt năm 1994 hoàn toàn không giống một ai khác, ít nhất trong metal, trong alternative rock cũng như grunge: đóng đồ Adidas, tóc dreadlock, và giọng ca có hình dáng bù nhìn rơm Jonathan Davis (mô tả của guitar James Munky Schaffer), tiếng khua cymbal, những hợp âm quái gở, những riff bảy dây cực khủng, rồi câu “Are you ready” gào lớn. Blind là Blind, trên con đường đưa Korn trở thành một trong những nhóm nhạc ảnh hưởng mạnh mẽ nhất thập niên 1990, khi metal dọn từ những lấp lánh xuống… đường phố, bụi bặm, của những Metalllica, Pantera, Sepultura. Và Korn, họ bật tung, bật cao!
4. Deftones – My Own Summer (Shove It) (1997)
Thời của Deftones là thời nhãn nu-metal chẳng ai chuộng, hoặc ít nhất chỉ tỏ ra hờ hững. Giữa một scene đầy những ban nhạc có những cậu chàng tỏ ra mình “chuyên cần” mê trượt ván, Deftones xuất hiện ngầu hơn, đẳng cấp hơn, bí hiểm hơn, và… chuyên cần lẫn trượt ván thật sự. Sở hữu những riff thật sự đỉnh và một giọng hát cực tài năng các đoạn điệp khúc, My Own Summer (Shove It) và video “ra trò” đã đặt Deftones thẳng vào vị trí đại ca cool ngầu của cả phong trào, cho thấy nu-metal có thể bãng lãng, suy tư, và hùng tráng chứ chẳng chỉ có đớn đau! Thực sự mà nói ở Việt Nam, tên tuổi Deftones không được nhiều fan nhưng âm nhạc của ban nhạc alternative metal, nu-metal đến từ California này để lại nhiều di sản cho phong trào, được giới chuyên môn đánh giá cao. Tờ Kerrang! Từng mở riff My Own Summer (Shove It) cho bố già riff Tony Iommi của Black Sabbath, và bố… gật gù!
5. Korn – Freak On A Leash (1998)
Không thể nào chối bỏ sức hút khủng khiếp cực kỳ của nu-metal vào cuối thập niên 90’: album thứ 3 FOLLOW The LEADEЯ (1998) nằm chễm chệ ngôi số 1 ở các bảng xếp hạng trong đó có US Billboard 200 cũng như được đĩa bạch kim cho số lượng bán ra 1 triệu bản – đĩa thành công nhất của Korn với 5 chứng nhận Bạch kim của RIAA, tương đương 1 triệu bản, và single Freak On A Leash cũng xuất sắc giành giải Best Short Form Music Video tại Grammy 2000 và giải Best Rock Video tại MTV Video Music Awards. Dù ra đời trong một tổ hợp cồng kềnh của… rượu (chai Jack Daniels cỡ nhỏ đeo quanh cổ), chất kích thích (nói thẳng ra là cocaine, không có không thu âm!), và sex, album thành phẩm leo thẳng lên vị trí Hạng 1 tại Mỹ. Freak On A Leash cho thấy một ban nhạc như Korn vẫn chiếm được sóng radio và thành công, nếu cân bằng được giữa sự nổi loạn và “sạch sẽ” trong cách chơi nhạc.
6. Limp Bizkit – Break Stuff (1999)
Ở chiều nghịch đảo của Deftones, Limp Bizkit là trạng thái mãi mãi sơ khai, căn bản, và hung hãn nhất của nu-metal, bất luận nhóm sở hữu một Wes Borland cực kỳ sáng tạo muốn đưa Limp sánh ngang hàng những Primus, Faith No More và Mr. Bungle. Quan điểm này, tuy vậy, lại bỏ qua thực tế mà Limp Bizkit thuộc về: nhà vô địch thế giới ví như tuyển Anh năm 1966, có khả năng lấp đầy mọi sàn nhảy, vui nhộn, phấn khích, và điển hình nhất chính là Break Stuff – đưa thẳng Limp Bizkit ra đại chúng chỉ với câu 2 hợp âm đơn giản đến kỳ quặc, với cú drop thốn tận cùng, và video trên MTV quy tụ từ Jonathan Davis, Flea tới Roger Daltrey của The Who, tới việc giới thiệu dàn siêu sao rap Snoop Dog, Eminem và Dr. Dre tới cực kỳ đông đảo khán giả ngoài metal. Danh tiếng mang lại cho Limp Bizkit đã to, nhưng ảnh hưởng của nhóm còn rộng khắp hơn cả.
Tuy nhiên sau khi xem video xong bạn nên nghe bản audio ca khúc vì video khi bị hạn chế các từ chửi thề.
7. Slipknot – Eyeless (1999)
Màn trình diễn đầu tiên tại Anh vào dịp Giáng Sinh ở Rạp Astoria đã trở thành một dấu mốc cực kỳ quan trọng, để Slipknot bùng nổ. Tại sao lại có họ xuất hiện trong danh sách khi âm nhạc của Slipknot có đủ death metal, thrash, speed metal bên trong mà các thành viên bị ảnh hưởng sâu sắc. 9 “gã điên” đến từ Iowa đã cho giới âm nhạc thấy sự khùng điên, nổi loạn dữ dội của họ trong debut album cùng tên Slipknot (1999), mà chính xác là tài nghệ của nhà siêu sản xuất Ross Robinson dành cho các gã trai. Ngoài màu death metal đậm đặc, ngoài sự man dại tuyệt đối đặc trưng, ca khúc Eyeless với cú riff đậm Carcass, giọng gào long trời lở đất, và đoạn intro drum’n’bass sấm rền, là một màn ra mắt không thể khủng hơn. “Wait and Bleed” – single trong album được đề cử Best Metal Performance tại Grammy 2001, nhưng người chiến thắng năm đó là Deftones với “Elite”.
8. Incubus – Pardon Me (1999)
Khi nu-metal phát triển, lượng nhóm nhạc và khán giả sẵn lòng buông ra những chữ faggot và bitch luôn tuồng, và máu luôn sôi, cũng gia tăng theo. Nhưng Incubus không nằm trong số này. Dẫn dắt bởi một thanh niên chuyên cần mê lướt ván và nghệ thuật Brandon Boyd, Incubus gồm năm gã trai California cho ra đời thứ âm nhạc thật sự đầu óc hơn, khác xa những kẻ cục súc đương thời. Và Pardon Me là một bản rock bóng bẩy và một điệp khúc cực kỳ bắt tay, đồng thời thay thế cái sắc màu u ám bi quan của nu-metal bằng một tiếp cận thấu đáo hơn với bức bối trước cuộc sống. Nằm trong album thứ 3 cũng là khi mà đại diện nu-metal California được công chúng biết đến nhiều hơn – Incubus thành lập 1991 và vẫn hoạt động đến ngày nay. Họ giành đến 2 đĩa Bạch kim cho album này trong khi album thứ 2 chỉ đạt đĩa vàng chứng tỏ thành công to lớn như thế nào.
9. Linkin Park – One Step Closer (2000)
Mới đó hãy còn là một nhóm nhạc vô danh, chật vật, Linkin Park thình lình có mặt khắp mọi nơi với Hybrid Theory, chiếm vị trí số MỘT in hoa tròn trĩnh tại Mỹ (và nhiều nơi khác) để trở thành album rock đầu tay bán chạy nhất lịch sử, cũng như album rock bán chạy nhất thế kỷ 21 (cái thế kỷ đã qua ⅕ chặng đường, chả còn ngắn ngủi, mà vẫn chưa ai vượt nó nổi). Điều tương tự may ra chỉ có trường hợp Appetite For Destruction của Guns N’ Roses ở thế kỷ trước. One Step Closer là điểm bắt đầu gần như hoàn hảo của rất nhiều người, vừa thỏa thời điểm, tài năng và cá tính của một ban nhạc. Suốt sự nghiệp không dài không ngắn với 7 album hoàn chỉnh, Linkin Park vẫn không thể vượt khỏi đột phá của Hybrid Theory, album này vươn xa rất, rất nhiều giới hạn thậm chí với chính sức tưởng tượng của họ, bằng công thức duy nhất và độc nhất: tinh gọn sự dữ dội, nặng nề thành một sản phẩm âm nhạc dễ nghe, dễ nuốt. Không ai khác làm được như vậy, thậm chí là chưa thể tiệm cận.
10. Disturbed – Down With The Sickness (2000)
Từng có thời điểm hễ Disturbed ho một cái là ba triệu album sẽ bán ra. Nằm gọn lỏn giữa sức nặng âm thanh với thành công trên các bảng xếp hạng lẫn arena chục ngàn khán giả, Disturbed và Down With The Sickness là một công thức hoàn hảo, mặc kệ người cười kẻ chê đoạn “Wa-ah-ah-ah” của David Drainman. Down trở thành một bản siêu hit bắt buộc phải mở ở mọi club chơi rock trên TRÁI ĐẤT. Vì HAY mà.
11. Kid Rock – American Bad Ass (2000)
Kể cả không thích hay không mấy mặn mà với âm thanh rap, nhất là với một tín đồ rock thuần thành nhưng ngoại đạo (không ở Âu Mỹ), video American Bad Ass sẽ vẫn cắm sâu trong tâm trí bạn – chúng tôi, chúng ta – hệt như chính bản nhạc này, trên nền Sad But True của Metallica. Bob Richie, tức Kid Rock, có thể khoe khoang bảy triệu album bán ra chỉ bằng câu hát ‘It stinks in here ’cause I’m the shit,’ một kiểu dân-trơi kiểu Mẽo từ rất lâu trước khi bạn biết… Bin Z là ai. Bảy triệu bản bán ra, tức cũng đồng nghĩa American Bad Ass được mở ở bất cứ mọi nơi mọi lúc: đang ăn, đang nướng thịt, coi đấu vật, rồ xe địa hình, hay săn bắn. Hay ở một buổi tuần hành của Quái vật màu da cam! (không phải đội tuyển Hà Lan!)
12. Papa Roach – Last Resort (2000)
Last Resort là một thánh ca của nu-metal, bằng câu lick của Iron Maiden, tiếng giẫm thình thịch, và ca từ chất lừ. Papa Roach ngay lập tức trở thành một trong những band metal lớn nhất ở Mỹ, và album Infest, bán veo hai triệu bản trong tích tắc. Đồng thời bản nhạc còn đưa Jacoby Shaddix trở thành một biểu tượng chuyên trị món “đồ trong ra ngoài”. Hay chết đi được!
13. Drowning Pool – Bodies (2001)
Bodies của Drowning Pool như sinh ra để gắn liền với đô vật Mỹ WWE trong suốt đoạn đầu những năm 2000 bất luận các ban nhạc nu-metal sau năm 2000 ra đời đông không tả xiết. Nó ăn sâu tới độ hễ nhìn thấy hình ảnh về WWE thời kỳ này, người ta lại nghe Bodies nhảy bổ vào đầu họ. Bodies được ví như chiếc xe ủi gắn thẳng vào đầu một quả tạ xích, đánh sập bất cứ tòa nhà nào, chẳng cần dù chỉ một gram trí tuệ ở đây. Sự đơn giản tuyệt đối, ví như Limp Bizkit bỏ đi phần rap, tạo nên hiệu quả âm thanh có một không hai của Bodies. Nghe ắt sẽ nhảy, chấm hết.
14. System Of A Down – Chop Suey! (2001)
Hãy nhớ từng có thời gian System Of A Down là một ban nhạc metal làm tròn phận sự ra đĩa và đi tour như mọi ban nhạc khác, vốn đã khá lâu rồi. Album System Of A Down đặt xuống ít nhiều vài lớp nền cho các biến tấu nu-metal trái khuấy, và kiệt tác Toxicity 2001, ban nhạc thăng thiên ngay sau đó (bất kể cái vinh dự bất đắc dĩ trở thành nhóm nhạc Số 1 tại Mỹ trong thảm họa ngày 11 tháng 9) với âm thanh bất chấp và bất… thường của mình. Chop Suey! trong Toxicity là một điển hình ngắn ngủi cho hai sự bất-s kia, và rất nhiều người sẽ đồng tình rằng When angels deserve to die là dấu chỉ hoàn hảo nhất báo hiệu cho hàng (trăm) triệu cú nhảy ngay sau khi nghe, có lẽ kể từ album đầu tay của Korn.