Chùm bài Lịch sử Rock and Roll trong mắt kẻ thắng cuộc, phần 6: Linkin Park.

STEVEN HYDEN là cây bút viết cho Grantland, một tác giả có sách được xuất bản, “Your Favorite Band is Killing Me”

Original: https://grantland.com/features/the-winners-history-rock-roll-part-6-linkin-park/

“Nằm giữa những 4 chữ cái F U C K - chúng tôi tìm tới đó. Là nơi chúng tôi sẽ đào sâu.”

Chester Bennington trả lời tạp chí Rolling Stone 2001

Cách thức phát nhạc trên radio của mấy năm vừa qua đang kinh qua một cuộc khủng hoảng căn tính. Chúng ta có những đài phát thanh có nhạc cực hay, phát triển quá nhanh chóng và chỉ phát chỉ những âm nhạc hay ho nhất, vậy nên rốt cuộc chẳng thu hút đủ khán giả phổ thông. Hoặc ta có ở đầu ngược lại, thứ rock ngu si, rock đảng-Cộng-hòa mà những đứa trẻ hay ho cóc thèm quan tâm.” Kevin Weatherly, đài rock KROQ Los Angeles, 2005, viết cho tờ New York Times.

“Một lần nữa, radio rock đã bị giáng một đòn chí mạng ở New York.” Bài viết 290 chữ xuất hiện ngày 9 tháng 10, 2021, trên mục blog Media Decoder tờ New York Times. Theo tên bài viết, “gặp đòn chí mạng” là một nhận định vẫn còn giảm tránh lắm: WEMP, đài radio cuối cùng dành trọn và riêng cho rock đương thời, bắt đầu phát đồng thời kênh trò chuyện thể thao buổi sáng mang tên WFAN. Điều đó nghĩa là giờ đây ta hoàn toàn không thể nghe được các ban nhạc rock dưới 40 tuổi trên sóng phát thanh tại thị trường tiêu thụ media lớn nhất nước Mỹ nữa. Radio nhạc Rock ở New York bị một đòn chí mạng hệt như Hiroshima bị giáng một vụ nổ lở đất long trời.

Từng có lúc, New York City là thủ phủ không chính thức của rock and roll, nơi Beatles vượt Đại Tây Dương để xuất hiện trên chương trình tạp kỹ truyền hình Ed Sullivan và thâm nhập toàn bộ màn hình TV của cả nước Mỹ; nơi các ban nhạc rock sính sân vận động có thời khắc đăng quang khi lấp kín Madison Square Garden; nơi Bob Dylan và Brill Building (ND: địa chỉ 1619 Broadway, đường 49) được chăm bẵm và Lou Reed, New York Dolls, Ramones ra đời. Giờ đây cái chết tức tưởi của radio rock thành phố bị thu giảm thành một vấn đề thuần túy về giấy tờ hành chính trên một bài đăng web hững hờ.

Thay đổi ở WEMP theo chừng nghĩa nào đó thực ra chẳng có gì mới. Sự tuyệt chủng của radio rock từ giữa những năm 2000 đã trở thành một đại dịch cấp quốc gia, khi các đài phát nhạc ở các cường phủ như Chicago, Philadelphia, Baltimore và Seattle dần dà lọc bớt các ban nhạc mới hay đang nổi ra khỏi playlist – và làm thay toàn bộ format. Tờ Times trước kia đã đưa tin về khuynh hướng này hồi 2005, khi giám đốc nội dung và quản lý kênh giơ tay chỉ trích thói quen nghe nhạc và, cụ thể hơn, vào chính âm nhạc.

Kể cả các hãng đĩa quảng bá sản phẩm âm nhạc mới cũng thừa nhận mẻ nghệ sĩ mới nhất của mình – theo chính lời lẽ từ một nhân viên quảng bá xin phép ẩn danh – “có thể trở thành người hầu bàn cho bạn ngày mai, bạn cũng cóc nhận ra khác biệt.”

Các sản phẩm âm nhạc được quảng bá thờ ơ, lãnh đạm dẫn tới lượt nghe cũng thờ ơ: Lượt nghe dành cho format “alternative” nhóm tuổi 18-34 rơi mất 20% nửa đầu thập niên 00, trong khi khán giả rap, R&B, và nhạc tiếng Tây Ban Nha gia tăng.

Nhiều fan rock nghe các ban nhạc indie, nhưng chưa đủ để duy trì lượt nghe lớn. Và những thính giả này lại giật nảy khi nghe một bản nhạc từ Interpol, hay Death Cab for Cutie theo sau bởi Staind hay (trời ạ!) Nickelback. Chiều ngược lại cũng đúng với những ai thích nghe các nhóm nặng. Khán giả rock xổ nhỏ thành những hội nhóm ít ỏi hơn, kém đông đảo hơn và tự thấy mình không còn hợp với nhau nữa. Các kênh rock phải chọn một trong hai, do đó giảm dần đi vị thế của mình.

Kevin Weatherley của KROQ nhắm thẳng vào thế lưỡng phân của nhiều đài rock thập niên 00

Ở thời hoàng kim, rock từng được dùng đồng nghĩa với “pop”. Rock là một thuật từ bao hàm tất cả, được hàng triệu người yêu thích. Giờ đây, rock biểu nghĩa cho những sự thật mới, khó dung nạp hơn của thế kỉ mới: sự phân mảnh của thị hiếu nghe, sự sụp đổ của thiết chế media cũ kỹ, thay đổi về đối tượng nghe sang phụ nữ và thiểu số, lược bỏ dần khán giả nam giới da trắng đang già nua.

Hồi kết của radio rock cũng là sợi chỉ xuyên suốt liên kết với các bài viết khác được đăng gần đây – nó có vai trò quan trọng trong thiệt hại hữu hình mà nó gây ra cho thế hệ nghệ sĩ chơi rock hiện tại, và với tính biểu trưng mà nó bao hàm về việc nhạc rock bị đưa ra ngoài lề trong suốt thập kỉ vừa qua. Các thay đổi ở đài radio đã loại bỏ rock chính thống ra khỏi cuộc chơi văn hóa đại chúng. Năm 2011, Hệ thống dữ liệu phát sóng Nielsen báo cáo rằng bản nhạc rock đứng vị trí 1 chỉ vươn tới 12 triệu khán giả so với 81 triệu khán giả của một bản hit nhạc pop. Nói lại ý của Mr. Gorgonchuck, nếu nhạc pop là thùng bia 12 lon, rock chỉ là 1 lon tròn trĩnh.

Kể cả những đế chế đang co mình lại vẫn cần thủ lĩnh, và vào thập niên 00, Linkin Park đứng cao hơn tất cả trong cuộc tranh đua thị phần ngày càng eo hẹp của rock. Album Hybrid Theory đầu tay ra mắt năm 2000 vẫn là album rock bán chạy nhất thập kỉ – đứng thứ 7 – với hơn 10 triệu bản. Linkin Park tiếp tục bán thêm 50 triệu bản thu, phần lớn nhờ radio: ở các kênh rock, Linkin Park là một thế lực thống trị, với 10 bản hit alternative chiếm cứ vị trí thứ 1 (và 5 bản top 10) trong 10 năm từ 2001 tới 2010. Linkin Park cũng có 3 hit top 10 trong bảng xếp hạng pop thập niên 2000, đạt đỉnh với bản In The End, đứng vị trí thứ 2 danh sách Hot 100 năm 2001.

Độ phủ của Linkin Park trên sóng radio là một tiền đề con gà - cái trứng: Có phải nhóm sinh ra để dành cho sóng phát thanh vì bắt chước thành công âm thanh radio rock công thức của thập niên 00 - một chút angst sót lại từ grunge, một thoảng tương phản nhẹ-nặng trong heavy metal, một tảng bro-rap (rap huynh đệ) Nam Cali của Sublime, một dấu vết pop-industrial sân khấu của Trent Reznor - hay phải chăng chính radio là bên thuận theo cái chất nhừ mới hâm lại, dễ xơi tiện nuốt của Linkin Park?

Ra đời năm 1996 ở Los Angeles, Linkin Park thường được gắn với các ban nhạc nu-metal cuối thập niên 90. Nhưng nhóm chẳng hề thuộc về hàng ngũ các nhóm nhạc chuẩn tắc của nu-metal scene; khi Korn và Limp Bizkit oanh tạc MTV, Linkin Park còn chật vật khó khăn tìm chỗ đứng. Ban đầu sử dụng tên Xero, nhóm nhanh chóng mất giọng ca chính sau khi ghi âm demo 4 track gửi tới các hãng đĩa. Xero ắt hẳn đã bị quẳng vào cái chồng rác rap rock như thể vô số chiếc lưỡi trai bóng chày khác bị quăng quật không thương tiếc, nếu như không bén lửa với Chester Bennington, người thổi vào Linkin Park cái kiểu Bono chủ nghĩa (ND: giọng ca U2) thứ cấp, thô ráp đã từng tạo nên thành công cho Scott Stapp và mấy tay bozo (ND: thộn, đần độn) còn lại trong Creed. Tương phản giữa giọng hát của Bennington và giọng rap của frontman còn lại Mike Shinoda làm nên cái lõi âm thanh mới cho Linkin Park. Những tín đồ thuần thành có khi xem Linkin Park như những kẻ cơ hội vô đạo, nhưng việc thiếu đi chất tinh tuyền nu-metal trên thực tế sẽ cho thấy tác dụng vào thập kỉ tiếp theo.

Thời điểm Hybrid Theory đã sẵn sàng cho đại chúng tiêu thụ, nu-metal bị ghim xuống trong vụ scandal truyền thông xoay quanh Woodstock 99 (ND: phiên bản năm 1999 xảy ra rất nhiều tai tiếng về cưỡng hiếp tập thể và bạo lực, sẽ được tường thuật lại trong bộ phim tài liệu sắp ra mắt trên Netflix, Clusterf**k: Woodstock ’99). Thời điểm Linkin Park ra mắt là hoàn hảo; âm thanh lẫn cách thể hiện thuộc về một lý tưởng cho một ban nhạc hậu Woodstock 99. Single đầu tiên từ Hybrid Theory, “One Step Closer”, bắt chước hời hợt một bản nu-metal điển hình: giọng scream, guitar hạ tông, và tiếng chà đĩa. Bennington vừa dữ dội vừa mong manh; anh có đôi điều muốn tống khỏi lồng ngực, và ta chớ nên ép uổng anh chàng, bởi anh sắp sửa vỡ-òaaaa. Đó là thứ nhạc hầu hết những ai ngoài 35 tuổi nghe thấy phát ra từ phòng ngủ khóa kín giữ đứa nhóc trung học cáu giận bị nhốt bên trong không cho ra ngoài phá làng phá xóm.

Nhưng các ca khúc của Linkin Park cũng bắt tai, giàu giai điệu hơn một band nu-metal điển hình. Và các anh chàng trong Linkin Park cũng khá đáng yêu – Bennington, nếu chỉ nhìn không thôi, giống Justin Timberlake và Nick Carter hơn đám diễn viên phụ trong Battlefield Earth trưng đầu dreadlock, xăm trổ toàn thân của nhóm Korn.

Hybrid Theory có thể đã trở thành một bồn chứa đầy ắp cơn cuồng nộ và sự cô lập đầy u uất của trẻ vị thành niên, nhưng rốt cuộc nó vẫn lành tính và thân thiện như bất kỳ đĩa boy-band nào khác. Trên tờ Rolling Stone, Bennington và Shinoda phản đối cách nhiều album rock đang sử dụng câu chữ chửi thề và tự hào nhóm chẳng cần tỏ ra bỗ bã để thành công. “Chúng tôi muốn tạo ra một thứ gì đó mà mọi người có thể tìm thấy mình trong đó, không chỉ là sự thô tục hay bạo lực,” Bennington trả lời. “Chúng tôi không muốn nặng nề hóa việc dùng ca từ thô tục trong âm nhạc, nhưng chúng tôi chẳng cần phải nấp sau bất cứ cái gì khác để tỏ ra mình rắn rỏi.”

Hình ảnh sạch sẽ của Linkin Park còn thể hiện ở các chuyến lưu diễn. Rolling Stone quan sát rằng ban nhạc không yêu cầu phải có rượu trong tour rider và cho rằng sức ép duy nhất liên quan tới chất kích thích mà Linkin Park phải chịu từ các đồng nghiệp chỉ là cách từng thành viên “nói không” thế nào. “Nếu một thành viên muốn hút thuốc hay uống rượu, chúng tôi sẽ ra club, chứ không phải trên xe buýt, để những người còn lại không uống hay hút thuốc có thể thoải mái trên xe,” Shinoda chia sẻ với Rob Sheffield. Cùng trong bài viết, Bennington còn chia sẻ, “Nếu gãy hay nát quá, ta nên dùng cái năng lượng ấy để gặp gỡ fan hâm mộ. Tôi thích nhận về lời khen từ các bác lao công ở club – “Bồ tèo, cảm ơn vì đã không phá hoại chốn này, để tối nay bác mày về sớm.”

Linkin Park chiếm được cảm tình giới lao công và những bạn trẻ được họ cảm hóa sau những chặng lưu diễn Hybrid Theory kéo dài đằng đẵng. Chỉ riêng năm 2001, nhóm tuyên bố đã diễn hết 342 show. Sau mỗi màn diễn, ở phần encore, các thành viên bước thẳng vào đám đông để bắt tay và ký tặng. Trên sân khấu, Bennington lẫn Shinoda đều hành xử như các ứng viên chạy đua danh hiệu Rock Star triệu đĩa. “Đây là công cuộc kinh doanh bọn tôi dồn tình yêu và dồn công sức vào,” Bennington thẳng thắn với tờ Spin. “Ta không ngừng chứng tỏ bản thân, kể cả khi đã gặt hái được thành công.”

Đạo đức nghề nghiệp của Linkin Park được duy trì khắp phòng thu, khi nhóm kiến thiết ra các bản rock đại trà với một sự ám ảnh về sự toàn mỹ như thể Stanley Kubrick ép uổng Shelly Duval tới phát khóc trong phim trường quay The Shining (ND: Cảnh cầu thang kinh điển!). Trong thời gian thực hiện album Meteora (2003) nối gót Hybrid Theory, Linkin Park sáng tác hơn 40 phiên bản điệp khúc khác nhau cho chỉ duy nhất một bản nhạc, bản nhạc đó cuối cùng đã trở thành bản hit Somewhere I Belong. “Cực kỳ nhọc mệt,” Shinoda chia sẻ với tờ Spin. “Anh không thể tưởng tượng được việc viết những 10 điệp khúc, đến khi chúng tôi đang ở điệp khúc thứ 10, và trong tâm trí bọn tôi nghĩ thế là được. Rồi mọi người sẽ ghé vào nghe và bình luận, “Yeah, hay đó.” Và đó không phải kiểu hồi âm mà bạn muốn nghe. Bạn muốn kiểu hồi âm “Đó là khúc nhạc hay nhất tôi từng nghe được!” Trong đầu, chúng tôi cứ nghĩ, “Chết tiệt – phải viết tiếp thôi.”

Nếu như có một tình huống Linkin Park mời tôi ghé sang phòng thu để nghe thử các sáng tác trong đĩa mới của nhóm, tôi cực kỳ nghi ngờ nếu có thể nghe được khúc nhạc nào khiến tôi thốt lên, “Đó là khúc nhạc hay nhất tôi từng nghe được!” Dù vậy, nhạc của Linkin Park cũng không hẳn hoàn toàn nằm trong cái xô đầy nước đái chuột mà tôi từng xếp vào trước kia, trong lúc chạy ngược chiều toàn bộ các ban nhạc nu-metal đầu thập niên 2000.

Cho phép tôi xếp lại cái nhận định hững hờ kia: Mỗi LP của Linkin Park rốt cuộc đều thành ra một đống nhầy, đĩa sau giả trân hơn đĩa trước. Nhưng mỗi album chí ít cũng có một track có thể trườn dần vào trái tim tôi, đó là lời khen tốt nhất tôi có thể trao cho Linkin Park, vì não tôi ra các mệnh lệnh rõ ràng cho trái tim là chớ bao giờ khen bài hát nào của nhóm cả. Chỉ là các single hợp nhĩ nhất của nhóm cũng giống các bậc trộm mèo chuyên nghiệp tìm cách đột nhập vào hệ thần kinh tôi.

Bất kỳ ban nhạc nào ra sức viết hơn ba tá điệp khúc hòng tìm được đoạn điệp khúc làm soundtrack cho cơn thịnh nộ của hàng triệu hảo huynh đệ mặt sầu mày thảm chắc cú sẽ tìm thấy thành tựu. Tài sản lớn nhất của Linkin Park chẳng nằm ở một tầm nhìn độc nhất vô nhị dành cho âm nhạc, hay một thiên tài sáng tạo long trời lở đất; đó chính là thạo nghề khi chiều chuộng công chúng. Linkin Park rất giỏi khoản làm ra các bản rock dễ nghe mà chẳng nhất thiết phải hay.

Đó là lúc mà các tín nhiệm về tài năng của Linkin Park trở nên đáng nghi ngờ: nhạc của họ quá dễ nghe để có thể trở thành một nhóm nu-metal đúng nghĩa. Khi rap-rock chính thức chiếm chỗ rock chính thống cuối thập niên 90’, nó khiến tôi thấy mình như lão già 100 tuổi, dù lúc ấy tôi chỉ là một thằng nhãi 18. Đó là thứ nhạc “tuổi trẻ” đầu tiên tôi bắt gặp khiến tôi ngay lập tức biết rằng nó chả dành cho mình. Tôi lúc ấy còn ghét nó nữa và giờ cũng chả để tâm – dù tôi dần hiểu ra việc những kẻ như tôi ghét nu-metal chính là cái đã làm ra nu-metal.

Còn bé, tôi khám phá ra rock alternative và classic rock cùng lúc, và nhanh chóng nhận ra cả hai đồng tồn tại trong một liên hoàn. Đây chẳng phải cái gì đó cao siêu từ chỗ tôi sất: các ban nhạc alt-rock ra sức tô đậm các ảnh hưởng classic rock, dù là Pearl Jam ghi âm với Neil Young hay Nirvana cover David Bowie hay Pavement nhóm nhém các câu nhạc của Billy Squier vào cuối khúc anthem lười nhác của họ (ND: bản Range Life, album Crooked Rain, Crooked Rain). Trong khi đó, các ban nhạc nu-metal lại không muốn gia nhập vào liên hoàn rock. Bassist Korn Fieldy từng tuyên bố trong một phỏng vấn với Chuck Klosterman của Grantland rằng anh chưa từng nghe qua Led Zeppelin hay Rolling Stones – ảnh hưởng đến ban nhạc lùi hết cỡ cũng chỉ tới Red Hot Chilli Peppers và Faith No More.

Sự ngờ nghệch về lịch sử gây ra thứ nhạc đậm đặc guitar chỉ tình cờ nhá nhem giông giống với rock truyền thống. Nhiều chuyên gia không thể ưa nổi, cho dù nu-metal chính là cái thứ nhạc mà bọn họ vỗ ngực khen ngợi: “original”, ít hoặc chẳng mắc mứu gì với quá khứ. Nu-metal hoàn toàn là về tháo dỡ nhạc rock như đám du đãng đầu đường xó chợ tháo sạch dàn giáo Căn cứ Không lực Griffiss theo bản nhạc Break Stuff của Limp Bizkit (ND: Woodstock 99’!).

Một trong số những hiếm hoi ít ỏi mà classic rock và nu-metal có cùng đó là món nợ khổng lồ với nhạc da đen. Hợp thay, nu-metal xuất hiện vào quãng thời gian ảnh hưởng nhạc blues trong rock đã biến mất sạch sành sanh. Các band alt-rock thập niên 90, như các band indie 10 năm sau, trắng lóa cả về âm thanh lẫn hình dáng. Nu-metal là một cố gắng của giới chơi rock da trắng không chỉ gắn bó với rap, mà còn để thay thế một hệ thống từ điển rock lỗi thời bằng ngôn ngữ hip-hop. Trong nu-metal, guitarist xem nhạc cụ như một bàn xoay, khám phá các khả năng diễn tấu mới mẻ cho tiếng ồn có giai điệu vượt quá các riff 12-bar thông thường đã truyền thừa từ các ban nhạc thập niên 60 học đòi từ Howlin’ Wolf hay Muddy Waters. Các thánh guitar mới giờ đây cuỗm từ Bomb Squad.

Chất liệu hip-hop trong nhạc Linkin Park chả có vẹo gì liên quan tới việc cách mạng hóa nhạc rock; mà đúng nghĩa đang theo đóm ăn tàn khi rap nắm giữ sức ảnh hưởng to lớn hơn ở pop và R&B thập niên 2000.

Các album của Linkin Park chẳng nghe giống hip hop, mà được ghép với nhau bằng một cảm thức hip-hop, có thể thoải mái đồng xuất hiện trong cùng một không gian âm thanh với rapper và các ngôi sao hiểu thấu nhạc rap.

Linkin Park có một tư duy hip-hop muốn làm ra một album có thể dễ dàng đem theo,” nhà phê bình Ian Cohen viết về Hybrid Theory trong một bài viết trên Stylus nhắc về quá khứ. “Quả vậy, production bỗ bã, sột soạt và siêu nén nghe hay nhất trong thứ về sau trở thành thiết bị nghe nhìn thống trị của âm nhạc đầu thế kỷ 20: loa máy tính, loa xe hơi, tai nghe iPod.”

Cohen để ý cách các yếu tố âm nhạc trong Hybrid Theory được “chuẩn bị để tháo dỡ và lắp ghép lại trong quá trình remix.” Bản mở đầu “Papercut” của album, Cohen viết, “sẽ tạo hiệu quả y hệt nếu mọi thứ được thay thế bằng các sample dàn dây tẻ nhạt. Liệu có nổi hay không đoạn guitar cho “In the End”? Chẳng phải đoạn verse đầy synth, sạch bong của Crawling hiệu quả hơn đoạn điệp khúc hay sao? Này các bồ, đây là cách một số người hình dung khái niệm “post-rock.’”

Giống cách các ban nhạc grunge vội vã tỏ lòng tôn kính các anh hùng rocker râu tóc xồm xoàm, Linkin Park cũng nhiều lần bày tỏ đúng điệu tình yêu của nhóm dành cho hip hop. Cho đĩa remix Reanimation của Hybrid Theory, Linkin Park cho xuất hiện các rapper underground như Aceyalone và Phoenix Orion cùng nhạc cảnh với Aaron Lewis của Staind và Jonathan Davis của Korn. Dễ nghe hơn một chút hẳn là EP Collision Course, một đĩa mash-up với Jay Z. Đưa vần hát của Hova vào nhạc Linkin Park khó lòng làm tôn lên được kỹ năng rap mầm non của Shinoda, nhưng chí ít cũng làm thăng lên danh tiếng ban nhạc ở một số địa hạt quan trọng hơn.

Rock và rap đã đi hết trọn con đường: Gần 20 năm trước, Aerosmith giúp Run-D.M.C tìm thấy một đối tượng khán giả giao thoa mới khi xuất hiện trong bản remake của nhóm rap ca khúc Walk This Way. Giờ đây một ban nhạc rock nhờ tới một rapper để được nổi tiếng.

Khi thập niên 2000 kết thúc, mối quan hệ của Linkin Park với radio càng tương thuộc hơn bao giờ hết. Chỉ là lúc này mối quan hệ kia không mấy lành mạnh. Radio rock biến mất, doanh số bán đĩa của Linkin Park cũng sụt giảm. A Thousand Suns là album đầu tiên của Linkin Park không được Bạch Kim (một triệu đĩa bán ra); Living Things năm 2012 suýt soát được Vàng (500.000 đĩa bán ra). Từ Minutes to Midnight 2007, Linkin Park bắt đầu gia giảm phần hip-hop, chỉ sử dụng các đoạn rap của Shinoda trong ít ỏi sáng tác, mà chuyển tới một âm thanh rock phổ thông hơn. Một số chê trách tiến hóa này trong bộ mặt âm thanh của Linkin Park: “Bọn họ cho việc trở thành một nhóm alt-rock thờ U2 là tiến bộ,” Cohen viết, “thay vì khám phá tiếp tục nét nhạc lý thú, tổng hòa (và hứa hẹn) hơn của mình.”

Sự thu hẹp âm thanh của Linkin Park ít nhiều giống với các thay đổi ở các đài radio mà ban nhạc chiều chuộng. Kể cả ở vào giai đoạn đỉnh cao nu-metal cuối thập niên 90’, sóng alt-rock vẫn dung nạp các bản hit bubble-grunge lố thời như Sex and Candy của Marcy Playground để làm đẹp lòng các khán giả mềm mỏng hơn. Nhưng vào giữa thập niên 00, các quản lý radio dẹp hết mọi vết tích của pop trên radio rock để chọn cho mình một đối tượng khán giả tuyệt đối là nam giới và càng lúc càng ngập tràn phẫn uất. Nhiều đài phát thanh ngừng sử dụng phụ nữ trong các khảo sát thị trường. Đó là một cú cược được ăn cả ngã về không mạo hiểm rất nhanh chóng đã không thể cứu vãn. Tom Calderone, cựu chuyên gia kiêm tư vấn nội dung, từng vạch ra tình thế nguy cấp của chiến lược tiếp cận vừa nêu trong bài viết năm 2005 trên tờ New York Times: “Ta đưa mình vào góc kẹt, không thể thoát ra khỏi,” ông viết. “Khi có 65-75 nam giới, ta đã bỏ lỡ cực kỳ nhiều một lượng thính giả khác.”

Radio rock chẳng phải là một đại tiệc đông-kiếm-hợp-bích đơn thuần, mà nó còn nhắm vào đối tượng thính giả càng ngày càng già nua. Các kênh không chuyển sang format duy nhất chỉ có trò chuyện chả khác gì các chương trình tạp kỹ thập niên 90; ở thành phố tôi sống, các kênh rock mở nhạc Red Hot Chilli Peppers như thể cố gắng làm giảm đi tình trạng đấu súng với cảnh sát. “Radio đã nhường đối tượng thính giả trẻ trung hơn cho các phương tiện khác,” Fred Jacobs, chủ tịch một công ty tư vấn vô tuyến chuyên trị rock, chia sẻ với tờ Times năm 2005 như vậy. “Tôi chả biết làm sao để thu hút trở lại những người chưa từng có thói quen nghe radio hồi thiếu niên nữa. Về lâu về dài, nó trở thành một vấn đề nan giải.”

Trong tư cách một rock fan chứng kiến những gì triển ra trước mắt, hai chữ “nan giải” vẫn chưa đủ để gãi ngứa cái thực trạng này đâu bồ tèo.

 

Nếu thấy bài viết hay, các bạn có thể ủng hộ cho đội ngũ biên tập website:

LE DINH VU
Momo: 0909302756
TienPhong Bank: 00046053001

Trân trọng cảm ơn